Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 buộc hàng không và đường sắt phải chuyển hướng sang chở hàng hoá để có thêm doanh thu. Trong khi vận tải hàng hải lại tăng trưởng cao và lãi lớn.
Đối với lĩnh vực hàng không, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 từ năm 2020, năm 2021 vận tải hành khách tiếp tục giảm mạnh. Trong bối cảnh khó khăn, ngoài việc thực hiện các chuyến bay giải cứu, hàng không đã chuyển hướng sang vận tải hàng hoá.
Hàng không vận chuyển hàng hoá để có doanh thu trong bối cảnh dừng chở khách |
Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm đã đạt gần 912 nghìn tấn hàng hóa, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó vận chuyển quốc tế tăng (25,1% so với cùng kỳ 2020) còn vận chuyển nội địa lại giảm (9%).
Đại diện các hãng bay cho biết, có thời điểm số lượng chuyến bay sụt giảm, máy bay phải nằm đất do dịch Covid-19. Để tăng thêm doanh thu, các hãng bay đẩy mạnh việc vận chuyển hàng hóa nhằm duy trì hoạt động khai thác.
Vietnam Airlines cùng với việc thực hiện các chuyến bay giải cứu và hỗ trợ phòng chống dịch, có thời điểm đã tận dụng lợi thế vận chuyển nhanh, bảo quản tốt vận chuyển vải thiều Bắc Giang đi TP.HCM, Nhật Bản…
Thậm chí có thời điểm hãng này còn sử dụng khoang hành khách để vận chuyển vải thiều đi TP.HCM.
Việc này vừa giúp bà con tiêu thụ được vải thiều ngay trong mùa dịch, đồng thời cũng giúp hãng duy trì hoạt động trong bối cảnh vận chuyển hành khách bị đóng băng.
Trong khi đó, đại diện Vietjet Air cho biết, với mục tiêu không để đứt gãy sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, ngoài các chuyến bay giải cứu thì hãng cũng vận chuyển hàng hoá. Việc này góp phần quan trọng để hãng vượt qua thời điểm khó khăn.
Đường sắt tăng cường vận chuyển liên vận
Đối với đường sắt, suốt 2 năm đại dịch Covid-19, vận chuyển hành khách giảm đáng kể nên hết sức khó khăn. Trong bối cảnh đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã chủ động chuyển sang vận chuyển hàng hoá.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết, để giảm lỗ và duy trì sản xuất, trong năm 2022, đơn vị tiếp tục chuyển trọng tâm sang vận tải hàng hóa, từng bước hỗ trợ cho vận tải hành khách đảm bảo doanh thu và hiệu quả sản xuất.
Đường sắt vận chuyển hàng hoá liên vận qua biên giới đi châu Âu |
VNR cũng phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ tàu chuyên tuyến, tàu container Bắc -Nam, container lạnh chở hoa quả, thực phẩm… khai thác tối đa khối lượng vận tải hàng hóa tại các khu công nghiệp, nhà máy, cảng biển có kết nối với đường sắt quốc gia, tích cực tham gia vào chuỗi logistics.
Để đẩy mạnh tàu hàng liên vận quốc tế, Tổng công ty xúc tiến các biện pháp tháo gỡ các nút thắt cơ chế, chính sách để nâng cao sản lượng các tuyến Hải Phòng – Lào Cai – Hà Khẩu – Côn Minh, Hà Nội – Đồng Đăng – Bằng Tường – Nam Ninh đến các địa phương khác của Trung Quốc và đi các nước thứ 3; tăng cường thu hút hàng xuất khẩu sang Nga, châu Âu bằng đường sắt.
VNR cho biết, năm 2021 khối vận tải, vận chuyển hàng hóa tăng trưởng tốt, thực hiện được 5,6 triệu tấn xếp, bằng 110,5% cùng kỳ.
Hàng hải lãi lớn chưa từng có
Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Đình Việt cho biết, năm 2021 mặc dù hoạt động hàng hải chịu tác động lớn từ dịch Covid-19, song tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2021 vẫn ước đạt hơn 703 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020.
Trong đó, hàng xuất khẩu đạt hơn 184 triệu tấn, tăng 4%; hàng nội địa đạt gần 303 triệu tấn, tăng 5%. Riêng hàng container ước đạt gần 24 triệu TEUs, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển cũng có sự khởi sắc trong đại dịch, ước đạt 156,5 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020. Trong đó, sản lượng hàng container của đội tàu biển Việt Nam ước đạt hơn 3 triệu Teus, tăng tới 12% so với năm trước.
Vận tải biển lãi khủng trong đại dịch Covid-19 |
Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện vẫn đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển. Khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vận tải quốc tế của đội tàu biển Việt Nam vận tải cũng có nhịp tăng trưởng hiếm có, tăng tới 54% (đạt gần 5 triệu tấn) so với năm 2020.
Các mặt hàng chủ yếu vận tải trên các tuyến đi: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á và một số tuyến châu Âu.
Ấn tượng là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), từ một DN nhà nước luôn nằm trong “top đầu” về thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản, nhưng 2 năm qua đã bứt phá mạnh mẽ, đạt được kết quả tích cực.
Lợi nhuận của Tổng công ty ước đạt 3.750 tỷ đồng, trong đó cảng biển chiếm 67% lợi nhuận, dịch vụ hàng hải chiếm 26%, vận tải biển chiếm 7%.
Đặc biệt, lần đầu tiên sau nhiều năm thua lỗ kéo dài, toàn khối vận tải biển của đơn vị đã ghi nhận lợi nhuận gần 1.000 tỷ đồng trong năm 2021.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, năm 2021 vận tải biển có lãi lớn mội phần là do ngành hàng hải được hưởng lợi từ đại dịch. Dịch bệnh khiến giá dịch vụ vận tải trên thế giới tăng cao, tác động kéo theo cước vận tải, giá cước tàu tăng lên và điều quan trọng là DN vận tải biển trong nước đã nắm được cơ hội để tăng trưởng ấn tượng trong đại dịch.
Nhờ hệ thống cảng biển phát triển, từ Việt Nam hàng hóa đã có thể xuất khẩu trực tiếp trên các tuyến vận tải biển đi các nước nội Á, năng lực đón tàu lớn nhất trên thế giới của cảng biển đã có từ các cảng cửa ngõ như: Lạch Huyện, Cái Mép – Thị Vải đi bờ Tây, bờ Đông nước Mỹ, châu Âu.
Nguồn: vietnamnet