Thổn thức khoảnh khắc “sang canh”
Ngày 29 tháng Chạp, khi thời khắc chuyển giao năm mới Nhâm Dần chỉ cận kề, anh Nguyễn Mạnh Hùng, Trạm trưởng trạm hải đăng Long Châu và cùng các đồng nghiệp cấp tập hoàn thiện những chiếc bánh chưng cuối cùng để “bắt bếp” chờ Giao thừa đến.
Công nhân trạm hải đăng Hạ Mai gói bánh chưng chuẩn bị cho dịp Tết trên hòn đảo không người dân sinh sống
“Năm thứ 31 bước vào nghề bảo đảm hàng hải, bén duyên với trạm đèn Long Châu 18 năm và là cái Tết thứ 10 trên đảo, song, mỗi lần đón Tết lại là một lần lòng bâng khuâng đến lạ. Tết ở Long Châu rất đặc biệt. Xa đất liền và không người dân sinh sống.
“Hàng xóm” của 8 anh em bảo đảm hàng hải chỉ là ba chiến sỹ bộ đội biên phòng”, anh Hùng mở đầu câu chuyện.
Tiếp lời, Trạm trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dịp Tết, ngoài nhiên liệu, vật tư nhu yếu phẩm được cấp thường xuyên theo chế độ quy định mỗi tháng, công nhân ở đảo cũng được Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải (ATHH) miền Bắc và Xí nghiệp Bảo đảm ATHH Đông Bắc Bộ trang bị một ca nô đi lại trong vùng an toàn.
“Nguồn nước ngọt trên đảo thiếu trầm trọng. Dịp Tết cũng đang là mùa khô, để đảm bảo nguồn nước ngọt cho công nhân duy trì trên đảo, ngay từ trước Tết, chỉ huy trạm đèn phải cân đối lượng nước còn lại để kịp thời đề nghị đơn vị cho tàu chở nước ngọt ra tiếp tế”, Trạm trưởng trạm hải đăng Long Châu Nguyễn Mạnh Hùng.
“Được trang bị phương tiện, ngay từ ngày 26/12 âm lịch, tranh thủ ngày biển êm, anh em công nhân đã vào đảo Cát Bà (cách Long Châu 18km) để mua thêm lương thực, thực phẩm cần thiết như: giò, thịt, gạo nếp, đỗ xanh, lá dong,… để về gói bánh, vừa không để đảo “khuyết” đi không khí Tết truyền thống, vừa tạo không khí ấm cúng để những người trên đảo vơi đi nỗi nhớ nhà”, anh Hùng nói và cho biết bên cạnh việc gói bánh, mọi năm, trạm biên phòng và lực lượng bảo đảm hàng hải sẽ tổ chức buổi tất niên với bà con ngư dân ghé đảo trên đường về nghỉ ngơi vào ngày 24 hoặc 25 Tết. Thế nhưng, năm nay do dịch bệnh, hoạt động này phải tạm dừng.
Là người “già dơ” trên đảo, Tết xa quê anh có chạnh lòng? “Có chứ”, giọng người anh Hùng bất ngờ trầm xuống. Anh thổ lộ: “Người Việt Nam ngày Tết ai cũng thèm cảm giác được đoàn viên nhưng vì nhiệm vụ thiêng liêng được giao phó, mình phải gác nỗi niềm riêng, ngày Tết phân ca trực như ngày thường (24/24h) để hải đăng luôn sáng, làm điểm tựa cho tàu thuyền vươn khơi”.
Trong tâm thức của người trạm trưởng còn nhớ như in cái Tết năm 2005, trực ngoài đảo, điện thoại không có, việc liên lạc với gia đình chỉ có thể thực hiện bằng bộ đàm qua kênh VHF.
“Năm ấy cũng là năm trực Tết buồn nhất. Giờ khắc sang canh, trạm có sáu người thì chỉ có mình và một đồng chí khác ngồi đón Giao thừa. Bốn người còn lại đều là thanh niên, trong đó có 3 đồng chí vừa tốt nghiệp đại học ra đảo làm thì xuống phòng riêng nằm đắp chăn.
Cảm nhận rõ sự trầm lắng, bằng lý trí của người trạm trưởng, mình lại cùng người đồng nghiệp tạo không khí, mở tivi. Mười lăm phút sau, bốn chàng trai trẻ bật dậy lên tham gia cùng. Nỗi buồn sâu thẳm nhanh chóng vơi đi. Và ngày mùng 1 khi tất cả quây quần nói chuyện, họ mới mở lòng tâm sự không dám ngồi đón Giao thừa vì nếu nhìn vào chương trình đón Tết trên tivi sẽ khó cầm lòng khi nghĩ về cha mẹ, quê nhà, sự khao khát được đón nhận tình cảm của người thân”, anh Hùng nhớ lại.
Bước sang năm thứ 16 công tác với 8 năm ăn Tết trên “ốc đảo” Hạ Mai, anh Nguyễn Hồng Tuyên, Trạm trưởng trạm hải đăng Hạ Mai cũng thấm đẫm cảm giác bâng khuâng ngày cận Tết trên một hòn đảo không người dân sinh sống, không khách du lịch, ngước lên chỉ thấy trạm đèn, nhìn xuống chỉ thấy đồn biên phòng.
“Luôn là cảm giác rất khó tả với sự thổn thức không nguôi khi vào cái dịp hầu hết các gia đình đều đoàn viên thì ở quê chỉ một mình người vợ lo toan nội, ngoại, chòm xóm còn mình thì chỉ biết cầm chiếc điện thoại để ngó nghiêng việc nhà”, anh Tuyên giãi bày.
Chia sẻ về cuộc sống trên đảo, anh Tuyên cho biết, dịp Tết Nguyên đán, ngoài việc nhạn được sự quan tâm, chu cấp đầy đủ thực phẩm của Tổng công ty và Xí nghiệp như: gà, thịt lợn, bánh chưng, bánh kẹo,…. 6 anh em lực lượng bảo đảm hàng hải cũng cùng 3 chiến sỹ bộ đội biên phòng gói chung nồi bánh chưng để đưa không khí Tết ra đảo.
“Đảo không dân ngụ cư, ngày 29, 30/12 âm lịch, hai đơn vị lại cử người thay phiên nhau giao lưu tất niên. Chặng đường di chuyển dài tới 2,5 – 3km với độ dốc cao, song, tất cả mọi người động viên nhau đi lại vừa để chúc Xuân mới, vừa động viên khích lệ tinh thần.
Những ngày Tết, hai đơn vị cũng tổ chức giao lưu thể thao (bóng đá, cầu lông) để anh em, đồng nghiệp bớt đi sự trống trải và nỗi nhớ gia đình”, anh Tuyên tâm sự.
Bao năm qua, nhiều thế hệ công nhân bảo đảm an toàn hàng hải đã cất giấu nỗi niềm riêng trong mỗi dịp Tết đến Xuân về để duy trì ánh sáng của các ngọn hải đăng, giúp tàu, thuyền hành hải thuận lợi nhất – Ảnh minh họa
Vui nhưng không quên nhiệm vụ
Cùng nhau tìm niềm vui trong dịp Xuân mới, song, theo Trạm trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nhiệm vụ gác đèn, bảo đảm hàng hải chưa bao giờ bị bỏ quên dù là khoảnh khắc chốc lát.
“Đèn Long Châu là một trong những đèn quan trọng nhất trong hệ thống đèn biển Việt Nam. Khu vực mình quản lý có tầm quan trọng rất lớn với luồng vào cảng nước sâu Lạch Huyện và cảng Hòn Gai – Cái Lân.
Vì vậy, ngày thường hay dịp lễ, Tết, vận hành hệ thống báo hiệu phải tuyệt đối an toàn là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu, thậm chí sự cảnh giác còn phải nâng cao hơn so với ngày thường. Trước 18h hàng ngày, công nhân phụ trách ca làm việc phải kiểm tra tình trạng thông số kỹ thuật xem đèn có gặp sự cố, trục trặc.
Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, các công nhân trạm đèn cũng tích cực góp sức bảo vệ an ninh quốc phòng trên đảo. Trường hợp ngư dân qua đảo đông, lực lượng biên phòng sẽ kiểm đếm và thông báo với trạm đèn để kết hợp tuyên truyền quy định đảm bảo an ninh như việc cấm đốt pháo trong dịp Tết”, Trạm trưởng Hùng nói.
Trong khi đó, đối với Trạm trưởng Nguyễn Hồng Tuyên, hiện nay, phương tiện của ngư dân đi làm đã được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại (máy định vị, máy thông tin liên lạc), định hướng được vị trí đánh bắt, di chuyển.
Mặc dù vậy, xác định mỗi trạm hải đăng là một “kim chỉ nam”, điểm tựa cho ngư dân yên tâm vươn khơi xa không bị lạc lối, ngày Tết, công tác vận hành đèn cũng được siết chặt, đảm bảo theo đúng quy định, quy trình.
Đặc biệt, mỗi đêm 30 Tết, các phương tiện đánh bắt xa bờ về muộn khi thấy được ngọn đèn hải đăng cũng cảm thấy ấm lòng, yên tâm khi xác định được phương hướng trong thời tiết không thuận lợi”, ông Tuyên nói.
Trạm trưởng trạm đèn Hạ Mai cũng không quên kỷ niệm hỗ trợ ngư dân gặp sự cố vào dịp Tết. Đó là cái Tết năm 2017, một thuyền đánh cá bị gãy trục bánh lái ở vị trí cách đảo Hạ Mai khoảng 20km về phía đảo Long Châu. Họ đã tìm phương tiện vào Hạ Mai cầu cứu. Ngay sau đó, công nhân trạm đèn đã cho ngư dân số điện thoại nhờ lực lượng đồn biên phòng Cát Bà điều tàu ra kéo phương tiện vào sửa trước khi tiếp tục ra khơi ở khu vực đảo Bạch Long Vỹ.
“Trong vụ việc ấy, dù không góp nhiều công sức nhưng anh em công nhân bảo đảm hàng hải vẫn thấy vui khi sự có mặt, cống hiến của mình đã hỗ trợ được ngư dân trong lúc họ khó khăn nhất”, anh Tuyên chia sẻ.
Ông Trần Huy Hùng, Giám đốc Xí nghiệp bảo đảm ATHH Đông Bắc Bộ cho biết, Xí nghiệp được Tổng công ty bảo đảm ATHH miền Bắc giao nhiệm vụ quản lý, vận hành hệ thống đèn biển và báo hiệu luồng tàu biển trong phạm vi từ Quảng Ninh đến Thái Bình.
Địa bàn quản lý rộng, các trạm quản lý báo hiệu hầy hết nằm trên đảo xa như: Long Châu, đảo Trần, Hạ Mai, giao thông không thuận tiện, công tác tiếp tế gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, trong dịp Tết, lãnh đạo Tổng công ty và Xí nghiệp đã nỗ lực cân đối giúp cho công nhân các trạm đèn có được tổng mức thu nhập tốt.
“Xác định thời gian nghỉ Tết cũng là thời điểm thời tiết trên biển có nhiều sương mù, tàu thuyền di chuyển sẽ dễ gặp sự cố, mất phương hướng, lãnh đạo Xí nghiệp đã quán triệt công nhân các trạm đèn “vui chơi không quên nhiệm vụ”, duy trì công tác trực chốt 24/7 để kịp thời xử lý các sự cố trên biển hoặc thanh thải các chướng ngại vật, giúp ngư dân, tàu vận tải hành trình về nghỉ Tết và có những chuyến đi khai Xuân được thuận lợi, suôn sẻ”, ông Hùng nói.
Nguồn: baogiaothong