Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ – Lợi ích cho quốc gia, địa phương và doanh nghiệp
Việc phát triển cảng trung chuyển quốc tế tại khu vực Cần Giờ là giải pháp hữu hiệu giảm chi phí logistics, giúp TPHCM nâng cao tỉ trọng khối dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, đồng thời góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia biển mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế – xã hội”
Từ chỉ đạo của Thủ tướng đến khu vực trung chuyển hàng hoá quốc tế tại Việt Nam
Tháng 11/2021, trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sang Pháp, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và công ty Mediterranean Shipping Company (MSC) – hãng tàu container hàng đầu thế giới – đã tham gia buổi làm việc của Thủ tướng với một số tập đoàn hàng đầu của Pháp, châu Âu và ký Thỏa thuận khung hợp tác trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistics. Tại đây, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho VIMC và nhóm nhà đầu tư trong 10 năm tới huy động nguồn vốn khoảng 10 tỷ USD và thu hút hàng hoá từ các nước khác về Việt Nam, biến nước ta trở thành khu vực trung chuyển hàng hoá quốc tế.
Ngày 4/11/2021, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, VIMC đã ký kết và Trao thỏa thuận khung Hợp tác với hãng tàu MSC để phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển trung chuyển Cần Giờ, TP.HCM
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, VIMC và đối tác đã nghiên cứu, trao đổi thường xuyên, báo cáo với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, Bộ Giao thông vận tải, UBND TPHCM và được sự ủng hộ về việc phát triển cảng trung chuyển quốc tế tại khu vực Cần Giờ, TPHCM.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với DNNN ngày 24/3, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam khẳng định việc hình thành một trung tâm dịch vụ logistics quy mô lớn dự kiến mang lại những tác động tích cực, lan tỏa, tạo điều kiện phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ, sản xuất, tài chính, các loại dịch vụ hàng hải…
“VIMC và MSC đã và đang đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, đề xuất phát triển cảng trung chuyển container quốc tế tại khu vực Cần Giờ có khả năng tiếp nhận tàu mẹ trọng tải lên đến 250.000 DWT, tổng chiều dài cầu bến chính khoảng 6,8 km, nhu cầu sử dụng đất khoảng 570 ha. Công suất thiết kế 15 triệu TEUS”, ông Sơn cho biết.
Vùng viển Cần Giờ, nơi VIMC đề xuất xây dựng cảng trung chuyển container quốc tế
VIMC và công ty con là Cảng Sài Gòn đã nỗ lực làm việc với đối tác nước ngoài để cụ thể hóa các nội dung hợp tác, đầu tư và vận hành khai thác, đồng thời báo cáo kịp thời và nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND TPHCM và Bộ Giao thông vận tải trong quá trình triển khai.
Cơ chế đặc thù để tận dụng tốt thời cơ
Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Lê Anh Sơn phát biểu tại Hội nghị
Hướng đến mục tiêu tận dụng tốt thời cơ hội tụ đầy đủ các điều kiện cần và đủ để phát triển dịch vụ trung chuyển container quốc tế, mang lại lợi ích cho quốc gia, địa phương và hiệu quả cho doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT VIMC đề xuất được phép áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Khoản 4, Điều 22 Luật Đấu thầu hoặc áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26, Luật Đấu thầu. Theo như kiến nghị, UBND TPHCM chịu trách nhiệm lập hồ sơ đề xuất áp dụng phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định theo quy định tại Điều 73, 74 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
Ngoài ra, VIMC cho rằng cần cập nhật, bổ sung dự án vào các quy hoạch, trong đó có Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đảm bảo dự án triển khai phù hợp với các quy hoạch có liên quan.
Cùng với đó là xem xét, sửa đổi Nghị định 86/2020/NĐ-CP, theo đó đối với hoạt động mua tàu biển, được thực hiện tương tự các quy định tại Khoản 1, Điều 22, Nghị định 171/2016/NĐ-CP trước đây.
“Phát triển cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ góp phần thực hiện tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành một quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn tại Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018”, ông Lê Anh Sơn tin tưởng.
Bên cạnh đầu tư phát triển cảng biển, VIMC cũng sẽ tập trung thực hiện cơ cấu lại đội tàu, hợp tác với MSC nghiên cứu phát triển đội tàu container và mạng lưới feeder vận chuyển container kết nối các cảng biển của Việt Nam, hợp tác tham gia trên các tuyến vận tải trong khu vực châu Á và liên châu lục nhằm phát huy tối đa công năng và lợi thế cạnh tranh từ dự án./.
Báo Chính phủ