Việc di dời cảng Tân Thuận (Q.7) về cảng Hiệp Phước dự kiến bắt đầu thực hiện từ năm 2017, nhưng đến nay TP.HCM vẫn chưa chốt được thời điểm đưa cảng này ra khỏi nội đô.
Cảng chờ cầu, cầu chờ cảng
UBND TP.HCM vừa trình Bộ GTVT về quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển VN giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, toàn bộ cảng biển trên sông Sài Gòn sẽ được di dời để thực hiện các dự án phát triển đô thị, đồng thời xây dựng đầu tư, phát triển cảng để tạo đà phát triển kinh tế TP. Trong đó, cảng Tân Thuận (Q.7) sẽ được di dời để lấy mặt bằng thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị. Sau khi đề án Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM giai đoạn 2020 – 2045 được UBND TP phê duyệt, việc di dời cảng Tân Thuận cũng được xem là một trong những bước đầu tiên và là tiền đề cho việc quy hoạch đồng bộ khu vực ven sông Sài Gòn.
Cảng Tân Thuận chưa thể di dời do nhiều nguyên nhân, trong đó có bài toán kết nối giao thông cả đường bộ và luồng dẫn – Nhật Thịnh |
Một cán bộ thuộc Sở QH-KT TP.HCM cho biết, ngoài việc phục vụ xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, sau khi di dời, khu vực cảng Tân Thuận sẽ trở thành công viên ven sông phục vụ du lịch – kinh tế, đồng bộ các dự án hạ tầng để khai thác du lịch đường sông như thêm các bến đón tàu du lịch, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ.
Theo UBND TP, với quy mô kho bãi hàng container đến 29.000 m² và sản lượng tiếp nhận hàng hóa gần 6 triệu tấn mỗi năm, cảng Tân Thuận là nơi phát sinh lưu lượng lớn container, có khi lên đến hàng trăm lượt xe mỗi giờ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường trọng điểm tại khu Nam TP. Cảng Tân Thuận sau khi di dời sẽ giúp giải tỏa áp lực giao thông từ phía TP.Thủ Đức, Q.Bình Thạnh qua phía các quận 7, 8, H.Bình Chánh, Nhà Bè. Cụ thể, giúp giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô tại các nút giao thông như Nguyễn Văn Linh – Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Linh – cầu Tân Thuận 2, đường Nguyễn Tất Thành, cầu Phú Mỹ… và tai nạn giao thông liên quan đến hoạt động của các bến cảng trên địa bàn Q.4, Q.7. Ngoài ra, công trình này còn có ý nghĩa góp phần phân loại cỡ tàu và phân bố hợp lý nguồn hàng hóa nhằm bố trí hợp lý các nhóm cảng biển ở TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Thực tế, kế hoạch di dời cảng Tân Thuận đã được UBND TP thúc đẩy triển khai từ năm 2017, dự kiến hoàn tất vào quý 1/2020 để phục vụ thi công cầu Thủ Thiêm 4. Tuy nhiên, theo đại diện Công ty CP Cảng Sài Gòn, đến nay đơn vị này vẫn chưa có kế hoạch di dời cảng. Nguyên nhân, năm 2016, UBND TP.HCM phê duyệt chủ trương xây dựng dự án cầu Thủ Thiêm 4 với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng). Trong đó bao gồm gói khoảng 3.500 tỉ đồng chi phí di dời cảng Tân Thuận. Sau đó, tất cả dự án theo hình thức BT tại TP.HCM ngưng triển khai, cầu Thủ Thiêm 4 cũng “đứng hình” chờ xác định chủ đầu tư và phương án đầu tư mới. “Tiến độ làm cầu không có nên kế hoạch dời cảng cũng chưa có luôn”, vị này nói. Còn Sở GTVT TP.HCM lại thông tin cầu Thủ Thiêm 4 sẽ nghiên cứu đồng thời với tiến độ di dời cảng Tân Thuận. Việc di dời cảng, Bộ GTVT sẽ chủ trì xây dựng đề án và kế hoạch.