6 tháng đầu năm 2022, Tổng Công ty Hàng hải VN (VIMC) đã báo cáo doanh thu thắng lớn, lãi hơn 2.225 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu như khối vận tải biển có nhiều kết quả tích cực và chiếm phần lớn doanh thu, thì khối cảng biển lại chưa đồng đều.
Trong khi khối vận tải biển có nhiều tín hiệu tích cực, khối cảng biển lại có lợi nhuận sụt giảm
Thông tin từ VIMC, sản lượng toàn khối cảng biển trong 6 tháng đầu năm 2022 của đơn vị này chỉ đạt 94% so với cùng kỳ, trong khi mức tăng trưởng sản lượng của cả nước 2%. Hầu hết các đơn vị khối cảng biển đều có sản lượng sụt giảm so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu do diễn biến quốc tế không thuận lợi.
Tổng lượng hàng hóa thông qua cảng biển của VIMC chỉ đạt hơn 64 triệu tấn, giảm 6,39% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng container thông qua cảng biển giảm 8,97% so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 2,7 triệu Teus.
Trong đó, nhiều cảng có kết quả kinh doanh thua lỗ như cảng Cần Thơ – ước lỗ 1,13 tỷ đồng; VIMC Hậu Giang – ước lỗ 7,9 tỷ đồng; VIMC Đình Vũ – ước lỗ 21,4 tỷ đồng.
Một trong những cảng biển luôn có lợi nhuận cao nhất của VMIC là Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) cũng giảm sút doanh thu so với cùng kỳ. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của cảng giảm 6,72% so với cùng kỳ năm trước.
Các biến động quốc tế, kinh tế – xã hội làm sản lượng hàng hóa qua cảng biển giảm
Báo cáo tài chính quý II/2022 của CTCP Cảng Quy Nhơn cho thấy, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 18,4 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 của cảng Quy Nhơn cũng giảm 66% so với cùng kỳ.
CTCP Cảng Dịch vụ Dầu khí Đình Vũ (PTSC Đình Vũ) cũng báo lợi nhuận giảm trong quý II/2022. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 995 triệu đồng, giảm tới 82,45% so với cùng kỳ. Biến động này được lãnh đạo công ty giải thích do doanh thu trong quý II năm nay của hoạt động khai thác hàng container tổng hợp giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Thống kê của Cục Hàng hải VN cho thấy, khối lượng hàng hóa qua cảng biển trong 5 tháng đầu năm chỉ tăng 1%. 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển ước đạt 370,8 triệu tấn, tăng 2%.
Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN Hoàng Hồng Giang đánh giá, mức tăng 1% của khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển là mức tăng trưởng thấp nhất so với vài năm gần đây, dù Việt Nam đã bước sang tình hình mới sau dịch Covid-19.
Đáng chú ý, hàng hóa nhập khẩu qua cảng biển tiếp tục giảm mạnh. Lượng hàng nhập khẩu chỉ đạt 87,1 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguyên do vì đâu?
Lãnh đạo cảng Quy Nhơn cho hay, do trong quý II/2022, giá nhiên liệu tăng mạnh. Cộng thêm tiền cho thuê đất chu kỳ 5 năm (2022-2027) tăng cao 283% đã làm giá vốn bán hàng tăng cao. Trong khi đó, sản lượng khai thác hàng thiết bị giảm dẫn đến tỷ suất lợi nhuận gộp của đơn vị này giảm so với cùng kỳ.
Theo nhận định của các chuyên gia, sản lượng hàng hóa qua cảng biển thời gian qua có sự sụt giảm. Một trong những nguyên nhân là chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc gây ảnh hưởng mạnh tới thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến lượng hàng hóa thông qua cảng biển giảm mạnh.
Nhiều vấn đề cần được nhanh chóng giải quyết để các cảng biển phát triển
Cùng đó, những biến động về kinh tế, chính trị như xung đột Ukraine – Nga hay sự gia tăng lạm phát, biến động giá nhiên liệu… cũng gây ra những tác động tiêu cực.
Tổng Thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam Hồ Kim Lân đánh giá, Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19. Thời gian qua, tình hình kinh tế- xã hội, giao thông, tình hình thế giới… tạo nên những độ trễ nhất định trong việc phát triển kinh tế.
“Cần có những đánh giá của nước ngoài để đối chiếu với tình hình trong nước, mới có thể nhìn nhận rõ vấn đề để từng bước khắc phục. Các đơn vị cảng biển cũng đã làm hết sức, nhưng còn nhiều cái khó”, ông Lân chia sẻ và nói thêm, hiện còn những “điểm nghẽn” cần khắc phục để cảng biển thực sự phát triển.
Ví như, giao thông kết nối cần sớm được hoàn thiện, tránh ùn tắc tại các cảng biển. Ngoài ra, còn các vấn đề khác như nạo vét luồng lạch, vị trí nhận chìm các chất nạo vét, quản lý thị trường, cạnh tranh nội bộ, áp lực từ bên ngoài… nên cần Nhà nước có sự kiến tạo để sớm thay đổi.
baogiaothong