Nhiều thách thức đặt ra, đòi hỏi các doanh nghiệp phải biết tận dụng thời cơ để có thể đạt được lợi nhuận trong những tháng cuối năm.
Tăng trưởng chậm lại nhưng lợi nhuận duy trì
Dự báo của SSI Rearch mới đây cho thấy, thị trường vận tải biển cuối năm có nhiều biến động. Nhu cầu vận tải container từ giờ tới cuối năm có thể giảm về mức tăng trưởng một chữ số, trong khi nhu cầu vận tải dầu khí tăng.
Giá cước vận tải container sẽ dần bình thường trở lại, nhưng quá trình bình thường hóa sẽ phụ thuộc lớn vào tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, ước tính chưa thể khắc phục cho đến nửa cuối năm 2023.
Khi đó, tăng trưởng lợi nhuận các công ty vận tải container có thể chậm lại nhưng lợi nhuận duy trì mạnh mẽ đến năm 2023 nhờ các hợp đồng cho thuê tàu được gia hạn với giá cao hơn và thị trường nội địa duy trì ổn định.
Thị trường vận tải biển cuối năm có nhiều biến động, gây thách thức cho các doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia, thị trường vận tải biển 6 tháng cuối năm sẽ phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Như cảnh báo của NATO, cuộc xung đột này có thể kéo dài vài tháng, thậm chí trong vài năm tới. Lệnh cấm nhập khẩu 90% dầu từ Nga của EU, nhu cầu của Trung Quốc sắp phục hồi sau chính sách phong tỏa có thể đẩy giá dầu thế giới lên các mốc kỷ lục mới.
Đối với thị trường container, theo nhận định của Công ty phân tích thị trường Drewry, thị trường container sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm. Lạm phát toàn cầu tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của thị trường Châu Mỹ khiến sản lượng hàng hoá xuất khẩu từ Châu Á giảm mạnh.
Đánh giá của Maersk cũng chỉ ra, sự gián đoạn chuỗi cung ứng tại các cảng của Trung Quốc đang dần được gỡ bỏ và sản lượng hàng hoá lưu thông đã quay trở lại mức trước kia. Thêm vào đó, độ tin cậy về lịch trình tàu container sau 6 tháng đầu năm đã giảm xuống trung bình 6,17 ngày so với hơn 8 ngày của năm 2021 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới khi phần lớn các quốc gia đã mở cửa trở lại với mục tiêu khôi phục nền kinh tế.
Ông Tạ Tiến Luật, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải biển và Xuất khẩu HTK cho biết, thị trường đang có diễn biến tương đối xấu. Chỉ số BDI (chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic) có dấu hiệu sụt giảm trong 2 tháng gần đây, hiện chỉ còn khoảng 1.200 điểm.
Trên thực tế, các hãng tàu hàng rời trên toàn cầu như Pacific Basin, Eagle Bul, Golden Ocean đều nhận định thị trường tàu hàng khô nửa cuối năm 2022 sẽ chứng kiến sự suy giảm so với đầu năm do các nguyên nhân như tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm, nhu cầu hàng hoá thiếu ổn định đến từ Trung Quốc cũng như các chính sách bảo hộ để kiểm soát lạm phát của nhiều quốc gia.
Cũng theo ông Luật, thời điểm cuối năm, thị trường hàng rời nội địa kém vì phụ thuộc vào tình hình thời tiết, mưa bão, gió mùa. Nguồn cầu và nguồn cung đều giảm, khiến không chỉ các doanh nghiệp vận tải biển mà cả các nhà máy hàng sản xuất rời đều gặp khó khăn.
Trong khi đó, thị trường quốc tế không bị ảnh hưởng bởi thời tiết nhưng phụ thuộc nhiều vào chính sách của các nước, trong đó có Trung Quốc.
“Thời điểm này, thị trường đang có xu hướng duy trì, về lại mức bình ổn. Hiện nay, vấn đề tắc nghen, ùn ứ tại các cảng biển thế giới vẫn đang diễn ra, gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tới tình hình logistics và giá cước vận tải”, ông Luật nhận định.
Thị trường quốc tế sẽ quyết định tất cả
Các doanh nghiệp vận tải biển cần theo dõi, tận dụng những cơ hội tốt trong thị trường
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó Tổng Giám đốc CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) Đặng Hồng Trường chia sẻ, các doanh nghiệp vận tải biển đã có 6-7 tháng đầu năm hưởng lợi từ cơ hội thị trường tốt.
Hiện nay, thị trường giảm gây ảnh hưởng tới lợi nhuận của các doanh nghiệp, nhưng chưa gây ảnh hưởng quá nhiều vì vẫn được hưởng lợi nhờ giá cước vận tải và giá thuê tàu tốt, dù mức giá đã có xu hướng giảm so với các tháng trước.
Theo ông Trường, bức tranh vận tải hiện nay khó lường vì nhiều biến động. “Việc duy trì lợi nhuận là mong muốn và các doanh nghiệp cũng tận dụng những cơ hội tốt nhất để làm. Tuy nhiên, thị trường quốc tế sẽ quyết định tất cả”, ông Trường nói và nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần theo dõi sát diễn biến thị trường để có các giải pháp ứng phó, điều chỉnh giá cước đảm bảo hiệu quả hoạt động của đội tàu.
Trong khi đó, ông Tạ Tiến Luật chỉ ra rằng giá dầu không tác động nhiều tới thị trường vận tải biển, mà cơ hội đến đâu sẽ do thị trường hàng hóa quyết định. Hiện nay, giá thánh xi măng, sắt, thép… đang giảm, giá cước thuê tàu giảm, đồng nghĩa vận tải biển đang đối mặt với rủi ro về thị trường.
Bởi thế, ông Luật cho rằng, thị trường trong những tháng cuối năm khó tăng trưởng và may mắn nếu có thể duy trì. Thế nhưng chắc chắn “sự lụi bại chưa có vì nhu cầu vận chuyển vẫn đang được duy trì”.
Từ đây, Phó Giám đốc HTK gợi ý các doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường, không tập trung vào thị trường truyền thống để có thêm nhiều cơ hội hơn. “Việc mở rộng thị trường sẽ giúp hàng hóa trở nên đa dạng, các nhu cầu không bị cắt giảm cục bộ”, ông Luật nhìn nhận.
baogiaothong