Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2022, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 433,83 triệu tấn (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng), tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, khối lượng hàng hóa container thông qua cảng biển là 14.927 triệu Teus, bằng so với cùng kỳ.
Ước tính sản lượng hàng hóa qua cảng biển trong 8 tháng đầu năm sẽ tăng trưởng 3%, tăng nhẹ so với thời gian vừa qua
Đáng chú ý, một số cảng biển nhỏ ở các khu vực Quảng Ninh, An Giang, Đồng Tháp đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong đó, khu vực Quảng Ninh tăng 46,5% với mức tăng chủ yếu là hàng tổng hợp, hàng khô; khu vực An Giang tăng 110%, Đồng Tháp tăng 38%, Quảng Trị tăng 30,2%, Quảng Nam tăng 26,6%, Đồng Nai tăng 8% (chủ yếu là hàng khô và hàng tổng hợp) so với cùng kỳ.
Đặc biệt, khối lượng hàng hóa container thông qua các cảng biển này cũng tăng, như Quảng Ninh tăng tới 718%, An Giang tăng 71%, Đồng Tháp tăng 34%. Khu vực có hàng container thông qua lớn như khu vực Hải Phòng tăng 8,41% so với cùng kỳ. Lượng hàng container xuất nhập khẩu đã có tín hiệu tăng trưởng đều, lần lượt là 2-4%.
Cảng biển TP. HCM có lượng hàng thông qua tiếp tục giảm, trong khi nhiều cảng biển nhỏ có sự tăng trưởng. Ảnh minh họa
Trái ngược với các cảng nhỏ, hai trong số những cảng biển lớn nhất cả nước là TP.HCM và Vũng Tàu vẫn tiếp tục có sự tăng trưởng chậm, thậm chí suy giảm.
Trong đó, cảng biển TP.HCM có lượng hàng thông qua cảng trong 7 tháng đầu năm đạt 95,8 triệu tấn, giảm 7,35% và khu vực này có lượng container thông qua cũng giảm 3,41%; Vũng Tàu đạt 66,086 triệu tấn, giảm 5%.
Theo ước tính, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong 8 tháng năm 2022 là 495,8 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là con số mang tính khả quan, tích cực sau một thời gian dài chỉ dừng ở mức tăng trưởng 1-2% – mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm.
Một trong những tín hiệu tích cực khác là số lượng hành khách thông qua cảng biển trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt 4,48 triệu lượt. Lãnh đạo Cục Hàng hải VN nhận định, đây là mức tăng trưởng tốt sau sau dịch và tăng 85 % so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế – xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022 đang có đà hồi phục nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2021.
Dù vậy, nền kinh tế vẫn đang phải chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như: Xung đột chính trị quân sự giữa Nga và U-crai-na; giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, nhất là giá xăng dầu; lạm phát gia tăng ở nhiều nước trên thế giới; sự phục hồi kinh tế chậm ở các nước có đối tác thương mại lớn; dịch Covid-19 gia tăng trên thế giới với nhiều biến thể mới…
baogiaothong