Thị trường tàu khách đã khởi động lại sau 2 năm dịch Covid-19 nhưng vẫn chưa thể phục hồi ngay.
Tàu du lịch đầu tiên sau dịch cập nhiều cảng biển Việt Nam
Sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, tàu du lịch 5 sao Le Laperouse của hãng Ponant (Pháp) là chuyến tàu du lịch biển quốc tế đầu tiên cập nhiều cảng biển của Việt Nam.
Tàu chở 106 du khách quốc tế, chủ yếu từ thị trường Âu Mỹ với chương trình khám phá bờ biển và các địa danh nổi tiếng của Việt Nam. Trong hải trình tại Việt Nam, tàu đã cập nhiều cảng như Côn Đảo, cảng Sài Gòn (TP.HCM), Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định), Tiên Sa (Đà Nẵng), Chân Mây (Huế), Hòn La (Quảng Bình) và cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh).
Tàu Le Laperouse là chuyến tàu du lịch biển quốc tế đầu tiên cập nhiều cảng biển của Việt Nam sau 2 năm đại dịch Covid-19. Ảnh. CVHH Thừa Thiên Huế
Le Laperouse là con tàu dẫn đầu của lớp tàu du lịch Ponant Explorers (gồm 6 thành viên) do hãng tàu Ponant điều hành. Đây là con tàu thân thiện với môi trường được trang bị hiện đại với phòng chờ được thiết kế mở rộng ra bên ngoài và dịch vụ 5 sao.
Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đây được coi là tín hiệu trong việc phục hồi thị trường tàu biển du lịch tại Việt Nam. Trong tháng 10, tàu La Lapérouse sẽ tiếp tục cập cảng Đà Nẵng vào các ngày 9/10; 16/10 và 29/10.
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Đinh Quang Đăng, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên – Huế cho biết từ khi Việt Nam chính thức mở cửa và phát triển kinh tế trở lại sau dịch Covid-19, đây là chuyến đầu tiên cảng Chân Mây tiếp nhận tàu khách tới tham quan Huế. Dự kiến, từ nay tới cuối tháng 11, tàu sẽ trở lại cảng Chân Mây 4 chuyến nữa.
“Trước đây, cảng Chân Mây chỉ có 1 bến, khách du lịch phải đi chung bến với tàu hàng. Hiện nay, bến số 2 đã hoạt động nên san sẻ được một phần lượng hàng với bến số 1. Thời gian tới, bến số 1 sẽ nâng cấp khang trang, sạch sẽ hơn để đáp ứng thị trường tàu du lịch trở lại”, ông Đăng thông tin về quá trình chuẩn bị cho thị trường tàu khách.
Ông Nguyễn Văn Chương – Phó Giám đốc CTCP Cảng Chân Mây nhận định, thị trường tàu khách qua các cảng biển Việt Nam chưa “hồi sinh” sau đại dịch. Hiện nay, tại cảng mới chỉ có một số tàu nhỏ thị trường nội địa thử chạy lại để xem xét điều chỉnh. Từ đó, thiết lập lại các luồng, tuyến nhằm đón được tàu khách quốc tế lớn trong tương lai.
Có thể hồi phục vào năm 2023
Lãnh đạo CTCP Cảng Chân Mây cũng dự đoán phải sang năm 2023, thị trường tàu khách mới có thể phục hồi, nhưng chỉ được khoảng 40%. “Việc đón được tàu khách hay không phải phụ thuộc vào mùa du lịch, cũng như thị hiếu và nhu cầu của các khách du lịch nước ngoài. Nếu có nhu cầu, họ sẽ thiết lập tuyến”, ông Chương cho hay.
Sau hơn 2 năm, khách du lịch mới trở lại Hạ Long bằng tàu biển. Ảnh.TN
Đồng quan điểm, đại diện Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh khẳng định, thị trường tàu khách không phải do Việt Nam có thể quyết định. Các tàu thường xuất phát từ các cảng biển tại Châu Á như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hong Kong… Các cảng của Việt Nam chỉ là điểm đến trong hải trình của họ.
Đại diện này cũng cho rằng, đối tượng đi tàu khách thường là người chi tiêu nhiều tiền. Tuy nhiên thời gian qua, kinh tế khó khăn nên khách du lịch có thể lựa chọn những hình thức di chuyển khác rẻ hơn. Do đó, ít nhất phải hết năm 2022 mới có thể kỳ vọng thị trường tàu khách tại Việt Nam “hồi sinh” trở lại.
Là địa phương có cảng chuyên dụng đón tàu khách quốc tế nhưng tại Quảng Ninh, tàu du lịch Le Laperouse cũng là tàu khách quốc tế đầu tiên tới cảng Hạ Long sau 2 năm im ắng.
“Trước đại dịch, thời điểm từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau thường là mùa tàu khách tại Quảng Ninh. Các cảng biển lúc nào cũng sôi động, đón vài chuyến tàu/tuần với một số tàu lên tới vài nghìn khách. Các hành khách qua cảng biển Quảng Ninh khá đa dạng, từ khách Châu Âu, Mỹ, Châu Á…”, đại diện Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh nói và cho biết thêm hơn 2 năm qua, chỉ có một số tàu khách nội địa tới thăm Vịnh.
baogiaothong