Các bến cảng tại khu vực Cái Mép – Thị Vải được đầu tư ngày càng hiện đại
Phát huy lợi thế của cụm cảng đặc biệt
Hiện Bà Rịa – Vũng Tàu có 50 dự án cảng biển đang hoạt động với công suất 252 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư các dự án khoảng 5 tỷ USD. Trong đó, cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải là một trong 20 cảng biển có thể tiếp cận các tàu container lớn nhất thế giới. Đây cũng là cụm cảng duy nhất ở các tỉnh phía Nam có những chuyến tàu đi thẳng đến châu Âu, châu Mỹ mà không phải qua cảng trung chuyển của các nước. Với tần suất khoảng 32 chuyến tàu container/tuần (trong đó, 2 chuyến đi châu Âu, 10 chuyến đi châu Mỹ, 11 chuyến đi các nước khu vực châu Á), năm 2021, cảng được xếp hạng thứ 11/370 cảng có hiệu quả hoạt động tốt nhất thế giới.
Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng sản lượng hàng hóa qua cảng Cái Mép – Thị Vải vẫn đạt 76,9 triệu tấn, trong đó lượng hàng container đạt 4,76 triệu TEU, tăng 9%. Trong năm 2022, dự kiến sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 76 triệu tấn, trong đó lượng hàng container đạt 4,98 triệu TEU.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với nhiều lợi thế, khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải hội tụ các điều kiện để hình thành khu TMTD dựa trên một hệ sinh thái vùng đa dạng gồm nhiều tầng lớp, nền tảng hỗ trợ. Cụ thể, vùng Đông Nam bộ là nơi đóng góp 32% GDP, 44,7% tổng thu ngân sách và là vùng sản xuất ra lượng hàng hóa lớn nhất cả nước; chiếm 45% tổng khối lượng hàng hóa cùng hơn 60% khối lượng container thông qua hệ thống cảng biển của Việt Nam. Các yếu tố này chính là tài nguyên, nguồn lực quan trọng và bền vững, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây cũng là lý do Bộ Chính trị thống nhất chủ trương chọn Cái Mép Hạ để thiết lập mô hình khu TMTD nhằm tạo động lực mới phát triển vùng Đông Nam bộ.
Cần cơ chế đặc thù
Theo thống kê, hiện cả nước có 47 khu kinh tế gồm 19 khu kinh tế ven biển và 28 khu kinh tế cửa khẩu. Tuy chưa phát triển như ở nhiều nước trên thế giới, nhưng những mô hình này đóng góp rất quan trọng trong chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam hơn 30 năm qua. Và trong bối cảnh toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0, biến đổi khí hậu đã đặt ra yêu cầu phải tái cơ cấu các mô hình khu kinh tế kiểu cũ. Nhìn tổng thể, khu vực Cái Mép – Thị Vải hội tụ nhiều yếu tố vượt trội về đất đai, nguồn lực để hình thành khu TMTD đầu tiên của cả nước.
Tại khu vực khu TMTD sẽ có các trung tâm sản xuất và dịch vụ logistics hiện đại đảm bảo tất cả dịch vụ thương mại quốc tế. Các thuận lợi về thông quan, kiểm định hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như ưu đãi về thuế, cơ chế chính sách sẽ tạo ra cơ hội thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đến đầu tư. Khu TMTD cũng được kỳ vọng tạo hiệu ứng lan tỏa về kinh tế, nhiều công ăn việc làm và tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách quốc gia. Khu TMTD sẽ góp phần thúc đẩy quá trình phát triển khu vực Đông Nam bộ trở thành trung tâm kinh tế hàng hải của khu vực châu Á.
Mới đây, tại hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ trong thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu tổng thể về mô hình quản lý, cơ chế chính sách đặc thù áp dụng cho mô hình kinh tế mới. Trước tiên là sớm đưa Trung tâm Chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật và cơ sở nuôi động vật sạch tại khu vực Cái Mép – Thị Vải đi vào hoạt động, trả kết quả tại chỗ để hỗ trợ thông quan hàng hóa nhanh, giảm bớt thời gian đi lại cũng như chi phí cho doanh nghiệp. Tiếp đó, cần quyết liệt xây dựng cơ chế chính sách thí điểm cảng mở tại cụm cảng container khu vực Cái Mép để đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, trung chuyển, từ đó thúc đẩy sự phát triển của hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải.