Hoạt động được mong chờ nhất trong tuyến 50 năm đất nước thống nhất là chương trình Lễ kỷ niệm cấp quốc gia tổ chức từ 6h ngày 30-4 tại tuyến đường Lê Duẩn, quận 1 và một số tuyến đường trung tâm TP.HCM, với nhiều điều đặc biệt.

Thông tin được đưa ra tại buổi họp báo về các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước do Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025, tổ chức sáng 18-4 tại Hà Nội.
Tổng Bí thư Tô Lâm đọc diễn văn kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước
Bà Đinh Thị Mai – phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương – khẳng định đây là hoạt động trọng tâm và lớn nhất trong toàn bộ các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV1 – Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình TP.HCM và các đài phát thanh, truyền hình địa phương.
Chương trình diễu binh, diễu hành do Bộ Quốc phòng chủ trì, gồm: 4 khối diễu hành của khối nghi trượng; 36 khối diễu binh; 12 khối diễu hành. Dự kiến có khối diễu binh của Lào và Campuchia trong lễ kỷ niệm.
Chương trình gồm hai phần, phần một là mít tinh và phần hai là lễ diễu binh, diễu hành.
Lễ mít tinh bắt đầu từ 6h30 ngày 30-4.
Trước khi lễ mít tinh chính thức diễn ra sẽ có 30 phút chương trình nghệ thuật, trong đó có màn múa súng của quân đội, màn trống hội của công an, một số tiết mục nghệ thuật do TP.HCM đảm nhiệm.
Sau lễ chào cờ, giới thiệu đại biểu là diễn văn kỷ niệm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phát biểu của đại diện cựu chiến binh, của đại diện thế hệ trẻ Việt Nam.
Diễn văn kỷ niệm do Tổng Bí thư Tô Lâm đọc.
Ca khúc Đất nước trọn niềm vui nối phần mít tinh sang phần diễu binh, diễu hành, dự kiến có 53 khối đi, 13 khối đứng.

Có thân nhân của ông Morrison – “ngọn đuốc sống” phản đối chiến tranh Việt Nam
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết tổng khách mời trung ương, quốc tế dự lễ kỷ niệm khoảng hơn 6.000 chỗ ngồi, ngoài ra còn khối đứng khoảng 10.000 người, trong đó có đông đảo bà con đứng ở các tuyến đường.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thông tin thêm cho biết Bộ Ngoại giao đã nhận được sự xác nhận tham gia của hơn 20 đoàn các nước tham dự ở các cấp khác nhau từ cấp bộ trưởng trở lên.
Trong đó có 3 đoàn cấp cao, 5 đoàn cấp bộ trưởng trở lên, 15 chính đảng ở các khu vực châu Á, châu Mỹ, châu Phi, lãnh đạo cấp cao của các chính đảng như tổng thư ký hay phó chủ tịch đảng cầm quyền.
Ngoài ra hơn 100 đại biểu là đại diện của các tổ chức, phong trào hòa bình, phong trào phản đối chiến tranh và bạn bè quốc tế đã ủng hộ Việt Nam trước đây cũng xác nhận tham dự.

TP.HCM cũng mời và xác nhận tham dự của hơn 20 địa phương kết nghĩa với thành phố, nhiều cá nhân tiêu biểu ở nước ngoài đã có đóng góp trong phong trào phản chiến.
Như mời thân nhân của ông Morrison – một công dân Mỹ đã tự thiêu trước Nhà Trắng để phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam vào đúng 60 năm nước, tháng 11-1965, nhân vật quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt Nam nhờ bài thơ xúc động của Tố Hữu Emily con ơi!
Nhiều phóng viên chiến trường cao tuổi, phóng viên luôn theo dõi ủng hộ Việt Nam… cũng được mời tham gia.
Và lần đầu tiên trong khối diễu hành có 120 kiều bào tiêu biểu. Cùng với đó là hơn 100 đại biểu kiều bào từ 25 quốc gia, vùng lãnh thổ được lựa chọn tham dự sự kiện quan trọng này, ngồi trên khán đài.
Khối kiều bào còn tham gia cả một chuỗi sự kiện chứ không chỉ lễ kỷ niệm.
Hiện đoàn đang có mặt tại Đà Nẵng để ngày 19-4 lên tàu đại đoàn kết cùng đại diện nhân sĩ, trí thức, tôn giáo trong nước đi thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1…
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết tính đến thời điểm hiện tại, dự kiến có khoảng 180 phóng viên quốc tế đến từ nhiều quốc gia, 7 phóng viên kiều bào từ Mỹ và châu Âu sẽ trực tiếp tham gia đưa tin về Lễ Kỷ niệm vào ngày 30-4.
Tuổi Trẻ