Sản lượng hàng hoá ngày càng tăng trưởng
Thống kê của Cục Hàng hải VN, trong 5 năm qua, tổng sản lượng hàng hoá qua cảng biển TP.HCM ngày càng tăng trưởng, từ hơn 124,8 triệu tấn vào năm 2019 tăng lên hơn 128,2 triệu tấn vào năm 2023.
Tại Đề án nghiên cứu nâng cao khả năng khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng và kết cấu hạ tầng bến cảng hiện hữu vừa được Cục Hàng hải VN trình Bộ GTVT, cảng biển TP.HCM (Nhóm 4) có 40 bến cảng với 99 cầu cảng kết cấu cứng. Tổng chiều dài của các cầu cảng khoảng 14.917m.
Khu bến Cát Lái – Phú Hữu có 8 bến cảng với 19 cầu cảng, tổng chiều dài 3.554m. Trong đó, có 15 cầu cảng container, tổng hợp, rời có chiều dài 3.054m tiếp nhận tàu có trọng tải từ 20.000 DWT đến 45.000 DWT giảm tải; 3 cầu cảng hàng lỏng/khí với chiều dài 348m tiếp nhận tàu đến 32.000 DWT và 1 cầu cảng trang trí trong nhà máy sửa chữa và đóng tàu với chiều dài 152m tiếp nhận tàu trọng tải đến 10.000 DWT.
Khu bến Hiệp Phước có 11 bến cảng với 23 cầu cảng, tổng chiều dài 3.886m. Trong đó có 16 cầu cảng container, tổng hợp, rời có chiều dài 2.881m tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 DWT; 2 cầu cảng hàng lỏng/khí có chiều dài 478m tiếp nhận tàu có trọng tải từ 4.000 DWT đến 20.000 DWT và 5 cảng khác (các bến sà lan) với chiều dài 527m tiếp nhận tàu có trọng tải đến 2.000 DWT.
Khu bến trên sông Sài Gòn có 10 bến cảng với 36 cầu cảng, tổng chiều dài 5.341m. Trong đó có 34 cầu cảng container, tổng hợp, rời có chiều dài 5.040m tiếp nhận tàu trọng tải từ 10.000 DWT đến 60.000 DWT giảm tải; 1 cầu cảng hàng lỏng/khí có chiều dài 178m tiếp nhận tàu đến 3.000 DWT và 1 cầu cảng công nghiệp tàu thủy dài 123m tiếp nhận tàu đến 10.000 DWT.
Hiện bến cảng Sài Gòn khu vực Nhà Rồng – Khánh Hội đang hoàn thiện các thủ tục di dời, chủ yếu tiếp nhận tàu khách (du lịch) quốc tế, phục vụ tàu thuyền kinh doanh khai thác dịch vụ nhà hàng trên sông.
Khu bến Nhà Bè có 11 bến cảng với 21 cầu cảng, tổng chiều dài 2.136m. Trong đó, có 2 cầu cảng tổng hợp, rời có chiều dài 204m tiếp nhận tàu có trọng tải từ 1.000 DWT đến 20.000 DWT; 14 cầu cảng hàng lỏng/khí có chiều dài 1.507m tiếp nhận tàu trọng tải từ 600 DWT đến 40.000 DWT và 5 cầu cảng thuộc các nhà máy đóng tàu, công vụ có tổng chiều dài 425m.
Một số tuyến luồng còn dải cạn
Hiện nay, trong vùng nước cảng biển TP.HCM hiện có 6 tuyến luồng hàng hải đang hoạt động gồm luồng hàng hải Sài Gòn – Vũng Tàu, Soài Rạp, Đồng Nai, sông Dừa, Đồng Tranh – Gò Gia và sông Tiền.
Đánh giá về khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn của các tuyến luồng hàng hải tại TP.HCM, theo Cục Hàng hải VN, tuyến luồng hàng hải Sài Gòn – Vũng Tàu thường xuyên được nạo vét duy tu để đạt độ sâu 8,5m (Hải đồ) có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 80.000 DWT với mớn nước phù hợp vào, rời, làm hàng tại khu vực Thiềng Liềng, sông Ngã Bảy.
Đồng thời, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 60.000 DWT giảm tải với mớn nước phù hợp vào, rời, làm hàng tại khu bến trên sông Sài Gòn, khu bến Cát Lái – Phú Hữu, khu bến Nhà Bè.
Đoạn luồng hàng hải Đồng Nai (đến ngã ba Tắc Thầy Bảy) tiếp nối với luồng hàng hải Sài Gòn – Vũng Tàu tại khu vực sông Nhà Bè. Đoạn luồng hàng hải Đồng Nai thường xuyên được nạo vét duy tu đến độ sâu 8,5m (Hải đồ), đảm bảo đồng bộ với luồng Sài Gòn – Vũng Tàu.
Đây là đoạn luồng hàng hải tương đối ổn định, mức độ sa bồi thấp. Các bến cảng thuộc khu bến Cát Lái – Phú Hữu hiện là một trong các khu bến chính của cảng biển TP.HCM có mật độ tàu thuyền khai thác cao, hiệu quả.
Tuyến luồng hàng hải Soài Rạp có khả năng kết nối trực tiếp đến hạ tầng bến cảng của khu bến Cần Giuộc (thuộc cảng biển Long An) và khu bến Hiệp Phước thuộc cảng biển TP.HCM.
Theo các quyết định công bố đưa cầu cảng vào sử dụng, cầu cảng thuộc khu bến Cần Giuộc có khả năng tiếp nhận tàu container và tàu tổng hợp có trọng tải đến 70.000 DWT (cầu cảng số 6 thuộc bến cảng quốc tế Long An). Cầu cảng thuộc khu bến Hiệp Phước có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng đến 50.000 DWT.
Tuy nhiên, độ sâu luồng hàng hải Soài Rạp còn tồn tại một số dải cạn, điểm cạn khu vực đầu luồng, do đó chưa thực sự đáp ứng tốt cho tàu có trọng tải lớn hành trình.
Kinh phí nạo vét duy tu để duy trì chuẩn tắc thiết kế của luồng khá lớn, trong khi hạ tầng kết nối khu bến cảng dọc theo tuyến luồng hiện chưa được đầu tư đầy đủ để đáp ứng cho hoạt động khai thác cảng.
Tuyến luồng hàng hải Đồng Tranh – Gò Gia đã được thiết lập và đưa vào hoạt động từ năm 2016, kết nối hạ tầng cảng biển, các ICD tại khu vực TP.HCM và hạ tầng bến cảng khu vực sông Cái Mép – Thị Vải, đảm bảo cho tàu có trọng tải đến 5.000 DWT hành trình liên tục phục vụ trung chuyển hàng hóa.
Với khu vực sông Gò Gia, độ sâu tự nhiên đoạn luồng rất lớn, hiện đã đáp ứng tốt cho các tàu có trọng tải đến 120.000 DWT có mớn nước phù hợp hành trình an toàn. Riêng khu vực đầu luồng, có thể đáp ứng tốt cho tàu có trọng tải đến 150.000 DWT hành trình vào, rời các bến phao an toàn.
Đối với tuyến luồng hàng hải Sông Dừa, Cục Hàng hải VN đánh giá có khả năng đáp ứng tốt cho tàu có trọng tải đến 5.000 DWT hành trình.
Tuyến luồng có vai trò quan trọng trong việc phân luồng, góp phần giảm tải cho tuyến luồng hàng hải Sài Gòn – Vũng Tàu, qua đó nâng cao an toàn cho tàu thuyền hành trình qua các khu vực đoạn cong gấp, thường xuất hiện sa bồi như khu vực mũi An Thạnh, Dần Xây, Kervella, Mũi L’est.
Ngoài ra, khu vực đầu luồng có bề rộng lòng sông khá tốt đã được quy hoạch các phao neo cho tàu có trọng tải đến 60.000 tấn.
Riêng với tuyến luồng hàng hải Sông Tiền được đánh giá hiện cơ bản chưa đáp ứng tốt cho tàu có trọng tải đến 5.000 DWT do còn nhiều dải cạn.
Hồ An – baogiaothong.vn