APM Terminals (Maersk) và TiL (MSC) đang bày tỏ mong mong muốn tìm hiểu các cơ hội đầu tư để xây dựng các cảng biển container nước sâu lớn, hiện đại cũng như các dự án logistics chiến lược tại Việt Nam…
Ảnh minh họa.
Mirae Asset vừa có báo cáo cập nhật triển vọng nhóm hàng hải với điểm nhấn các hãng tàu lớn trên thế giới ồ ạt đổ vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội khai thác.
APM Terminals (Maersk) và TiL (MSC) đang bày tỏ mong mong muốn tìm hiểu các cơ hội đầu tư để xây dựng các cảng biển container nước sâu lớn, hiện đại cũng như các dự án logistics chiến lược tại Việt Nam. APM Terminals đã ký kết thoả thuận quan hệ đối tác chiến lược với tập đoàn HATECO của Việt Nam trong dự án phát triển hai bến cảng nước sâu tại khu bến cảng Lạch Huyện, TP. Hải Phòng (Bến số 5 & 6).
Ngoài ra, Liên danh APM Terminal – Hateco là những nhà đầu tư mới nhất nộp hồ sơ quan tâm tới Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng có tổng mức đầu tư lên tới 48,304 tỷ đồng.
Hồi tháng 4/2023, TiL và SGP cũng đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chủ trương đầu tư dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ tại Cần Giờ (TP. HCM).
Cả APMT lẫn TiL đều là các công ty vận hành cảng biển hàng đầu Thế giới. APM hiện đang vận hành 60 cảng biển trên khắp Thế giới, trong khi TIL đang vận hành hơn 70 cảng biển (bao gồm cả các dự án đang triển khai).
APMT lẫn TiL đều chưa có sự hiện diện đáng kể tại Việt Nam. Hiện tại, APMT đang nắm giữ 41% cổ phần tại cảng CMIT (khu vực CM-TV), trong khi TiL chưa khai thác cảng biển nào tại Việt Nam.
Trong hoạt động vận tải container toàn cầu, đặc biệt là trung chuyển container, các hãng tàu đóng vai trò quan trọng, tác động lớn đến khả năng hình thành và hoạt động của một cảng trung chuyển quốc tế. Câu chuyện thành công của Tanjung Pelepas là một ví dụ điển hình. Cảng Tanjung Pelepas (PTP), Malaysia có một lịch sử rất độc đáo, trong vòng chưa đầy một thập kỷ, từ một đầm lầy rừng ngập mặn đã trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa đẳng cấp thế giới.
Tình hình các cảng trong nước ở thời điểm hiện tại, cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ có vốn đầu tư vào khoảng 5,5 tỷ USD, được chia làm 7 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có vốn đầu tư vào khoảng 780 triệu USD. Tổng công suất của cảng sau khi hoàn thành các giai đoạn đầu tư là 16,9 triệu TEUs. Phần hạ tầng kết nối phía sau cảng có vốn đầu tư dự kiến khoảng hơn 500 triệu USD.
Dự kiến dự án sẽ được phê duyệt chủ trương đầu tư trong năm 2024, tiến hành lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2025 và triển khai xây dựng vào năm 2026. VIMC/SGP cùng với MSC/TiL sẽ tham gia vào liên doanh phát triển cảng Cần Giờ với tỷ lệ góp vốn dự kiến là 51%/49%. Theo Mirae Asset, câu chuyện thành công của cảng trung chuyển quốc tế Tanjung Pelepas – Malaysia (PTP) có thể lặp lại với cảng Cần Giờ.
Gần như ngay từ khi đi vào hoạt động vào năm 1999, Cảng PTP đã lập kỷ lục thế giới về tốc độ tăng trưởng nhanh nhờ sớm hợp tác với Maersk với tư cách là đối tác nắm giữ 30%. Maersk đã chuyển các hoạt động trung chuyển chính của mình từ Cảng Singapore sang PTP. Nhờ vậy, sản lượng container của PTP đã tăng gần 5 lần, từ 0.42 triệu lên 2.05 triệu TEU trong năm 2021.
MSC và Maersk hiện tại đang là hai hãng tàu biển lớn nhất trên Thế giới, cả hai đã thành lập liên minh vận tải 2M vào năm 2015, tuy nhiên, liên minh này sẽ tan rã vào đầu năm 2025 sau khi thoả thuận hợp tác hết hiệu lực và không được gia hạn
Sau khi tách khỏi 2M Cooperation, MSC sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược duy trì vị trí dẫn đầu ngành bằng cách mở rộng đội tàu hiện có. Những năm gần đây, MSC liên tục đặt đóng mới các tàu cỡ Post – Panamax trở lên (các tàu có kích cỡ trên 10,000 TEU).
Từ những phân tích trên, Mirae Asset khuyến nghị cổ phiếu SGP với giá mục tiêu là 31.100 đồng/cổ phiếu , tương ứng với tiềm năng tăng giá là 26%. SGP sẽ được hưởng lợi từ hoạt động xuất nhập khẩu hồi phục và xu thế dịch chuyển hàng hoá từ các cảng nội địa TP.HCM sang khu vực CM-TV.
PHP cũng được khuyến nghị với tiềm năng tăng giá 26%. Hai bến Lạch Huyện đi vào hoạt động sẽ là động lực tăng trưởng. Ngày 01/7/2024, PHP đã ký kết thành lập liên doanh khai thác cảng với TiL (MSC). Theo thoả thuận hợp tác, PHP và TiL thành lập liên doanh để khai thác hai bến container quốc tế số 3, 4 thuộc dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện.
Sự xuất hiện của MSC – hãng tàu lớn nhất thế giới trong liên doanh khai thác cảng sẽ giúp hoạt động khai thác cảng diễn ra hiệu quả hơn. MSC có thể sẽ chuyển các tuyến dịch vụ tại các cảng khác trung khu vực về bến số 3, 4 Lạch Huyện.
Bên cạnh đó, MSC đã ký kết các thoả thuận hợp tác (VSA) với liên minh Premier Alliance và hãng tàu ZIM cũng kỳ vọng sẽ tăng sản lượng hàng hoá qua bến số 3, 4 Lạch Huyện. Dự báo bến số 3, 4 Lạch Huyện sẽ đạt công suất tối đa trong 4 – 5 năm tới nhờ sự hỗ trợ từ hãng tàu MSC.
Thu Minh – vneconomy.vn