Từ ngày 11-13.09.2024 vừa qua tại khách sạn Rex (Rex Hotel Saigon) Tp Hồ Chí Minh, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập và phát triển VPA cùng Hội nghị thường niên năm 2024. Sự kiện này do Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn đăng cai tổ chức với sự tham gia tài trợ của nhiều doanh nghiệp.
Tham dự buổi lễ có đồng chí Phan Văn Mãi – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM. Các doanh nghiệp Hội viên VPA trên toàn quốc, Lãnh đạo VPA qua các thời kỳ, đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương,… Phía Cảng Sài Gòn gồm có: Ông Huỳnh Văn Cường – Bí thư đảng ủy – CT HĐQT – Phó CT Hiệp Hội Cảng Biển Việt Nam VPA; Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm – TGĐ; các thành viên HĐQT, Ban điều hành cùng cán bộ đại diện lãnh đạo các phòng ban, chi nhánh trực thuộc và các công ty con.
Toàn cảnh Hội nghị do Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn đăng cai tổ chức
Có thể nói đây là sự kiện quan trọng nhất của khối Cảng biển Việt Nam trong năm nay với sự tham dự của hơn 500 khách mời và đại biểu. Ngoài nội dung tổng kết, đánh giá hoạt động trong thời gian qua và thống nhất chương trình hành động trong năm tới (2025), Hội nghị còn có nhiều tham luận của các khách mời và các Cảng thành viên về hiện trạng quản lý, khai thác và phát triển Cảng,… Trong đó, rất nhiều kiến nghị cụ thể với bộ ngành và Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các Cảng biển vận động và phát triển trong tình hình mới, đóng góp tích cực nhất cho việc thực hiện thành công mục tiêu chiến lược kinh tế biển của Đảng và các kế hoạch của Chính phủ.
Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Đồng chí Phan Văn Mãi biểu dương những nỗ lực mà Hiệp hội Cảng biển Việt Nam đã đạt được trong suốt 30 năm. Thành quả này góp phần củng cố vị trí của TP Hồ Chí Minh trong lĩnh vực kinh tế biển, cảng biển, logistics, đóng góp về định hướng chiến lược chính sách phát triển kinh tế.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết, tương lai TP Hồ Chí Minh sẽ cùng với khu vực Đông Nam bộ kết nối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long để khai thác trên tinh thần “bám sông, hướng biển”, phát huy hơn nữa, mở rộng hơn nữa về hướng biển để kết nối với thế giới. Ông Mãi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm góp ý và tham gia của Hiệp hội Cảng biển và các hội thành viên.
Để những nỗ lực này đạt được kết quả, Đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị cần có cơ chế gặp gỡ đối thoại về chiến lược chính sách giữa TP Hồ Chí Minh và rộng hơn là vùng Đông Nam bộ với Hiệp hội và các hội viên, để việc hoạch định của Thành phố và Đông Nam bộ sát với xu hướng phát triển và nhu cầu phát triển của Hiệp hội và các hội viên.
Ông Lê Công Minh – Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam phát biểu tại buổi lễ
Báo cáo tại buổi lễ, Ông Lê Công Minh – Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho biết, VPA được thành lập từ năm 1994. Đến nay, qua 30 năm thành lập, hiệp hội đã có 84 thành viên là các cảng biển trải dài ba miền Bắc, Trung, Nam. Trong đó, những cảng lớn tại Việt Nam đều là thành viên của hiệp hội. Từ 24 cảng biển hội viên sáng lập ban đầu, qua 30 năm hình thành và phát triển, đến nay, VPA có 82 doanh nghiệp cảng biển hội viên. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển VPA hàng năm cũng phát triển và chiếm tỷ trọng khá cao, khoảng 60% về hàng bách hóa, hàng rời, hàng lỏng và khoảng 90% về hàng container của cả nước.
Tổng kết năm 2023, 81 cảng thành viên hiệp hội khai thác được hơn 359 triệu tấn hàng xuất nhập khẩu nội địa, trong đó có hơn 17,7 triệu TEU container.
Theo dự báo đến năm 2030, sản lượng hàng hóa thông qua toàn hệ thống cảng biển Việt Nam sẽ tăng gấp 1,6 – 2,1 lần; năm 2050 gấp 4,1 – 4,8 lần so hiện nay. Để đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua, hệ thống cảng biển Việt Nam được hoạch định phù hợp quy định pháp luật, lợi thế tự nhiên và nhu cầu phát triển kinh tế của từng vùng, phân cấp vai trò của từng cảng và định hướng các phương thức kết nối,… tạo thành một chỉnh thể thống nhất.
Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm – TGĐ Cảng Sài Gòn trình bày tham luận về Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và phát triển Hiệp hội Cảng biển Việt Nam VPA với vai trò là đơn vị đăng cai tổ chức, Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm – TGĐ Cảng Sài Gòn, gởi lời cảm ơn đến quý vị Đại biểu, khách mời, các doanh nghiệp Hội viên VPA trên toàn quốc, Lãnh đạo VPA qua các thời kỳ, đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương…đến tham dự đông đủ và có nhiều ý kiến tham luận và ý kiến đóng góp cho sự phát triển chung của ngành cảng biển trong tình hình mới.
Thay mặt Cảng Sài Gòn, Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm trình bày tham luận về Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại cửa ngõ TP Hồ Chí Minh. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đối với sự phát triển của ngành hàng hải Việt Nam, là cơ hội lớn cho Việt Nam. Với sự tham gia của MSC – Hãng tàu lớn nhất thế giới, dự án này mở ra cơ hội để Việt Nam trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế quan trọng trong khu vực. Ông Tâm cho biết dự án này cũng nhận được sự quan tâm của Bộ Chính trị và Bộ Giao thông vận tải, đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dự án. Cảng Sài Gòn sẽ tập trung và quyết tâm cao để triển khai dự án thành công.
Ngoài ra dự án còn hội đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa:
Thiên thời: Với sự gia tăng thương mại quốc tế và nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, việc xây dựng một cảng trung chuyển quốc tế là phù hợp với xu thế phát triển chung. Cùng với sự tham gia của MSC – Hãng tàu lớn nhất thế giới vào dự án mang lại lợi thế lớn về nguồn hàng và mạng lưới vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho Cần Giờ thu hút các hãng tàu và phát triển nhanh chóng. Chính phủ Việt Nam đang tích cực thúc đẩy phát triển ngành hàng hải và logistics, tạo môi trường thuận lợi cho các dự án cảng biển lớn như Cần Giờ.
Địa lợi: Cần Giờ nằm ở cửa ngõ phía Nam của Việt Nam, gần các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, thuận lợi cho việc trung chuyển hàng hóa giữa các khu vực. Với độ sâu tự nhiên lớn, Cần Giờ có thể tiếp nhận các tàu siêu trọng tải, giảm thiểu chi phí nạo vét và nâng cao năng lực cạnh tranh. Cần Giờ có thể kết nối dễ dàng với các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế lớn thông qua hệ thống đường thủy tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa nội địa.
Nhân hòa: Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, năng động và có khả năng tiếp thu công nghệ mới, đáp ứng nhu cầu về lao động cho cảng biển và các ngành dịch vụ liên quan. Việt Nam cũng có nhiều năm kinh nghiệm trong việc quản lý và vận hành các cảng biển, tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Sự tham gia của MSC và các đối tác nước ngoài khác mang lại kinh nghiệm, công nghệ và nguồn vốn đầu tư quan trọng cho dự án.
Theo Ông, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hội tụ đủ các yếu tố “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa”, tạo nên tiềm năng to lớn để trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển và nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ hàng hải thế giới.
Ông Nguyễn Tường Anh – TGĐ Cảng Hải Phòng nhận cờ luân lưu từ ông Huỳnh Văn Cường – CT HĐQT Cảng Sài Gòn, Phó CT Hiệp hội Cảng biển Việt Nam
Sau hai ngày làm việc trên tinh thần “Phát huy tối đa tiềm năng, vươn tới những thành tựu mới về kinh tế biển trong giai đoạn mới”, Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập và phát triển Hiệp hội Cảng biển Việt Nam VPA – Hội nghị thường niên 2024 đã kết thúc thành công tốt đẹp. Cũng trong dịp này Cảng Hải Phòng đã tiếp nhận cờ luân lưu truyền thống của Hiệp hội cảng biển Việt Nam VPA và sẽ vinh dự là đơn vị đăng cai tổ chức Đại hội nhiệm kỳ lần thứ 10 tại Thành phố Hải Phòng vào năm 2025.
Chương Phạm – Cảng Sài Gòn
Nguồn ảnh: Tổ Truyền thông Cảng Sài Gòn