Trong Hội nghị giao kế hoạch và các giải pháp triển khai thực hiện kinh doanh năm 2024 diễn ra vào ngày 05/04/2024, tập thể lãnh đạo Công ty CP Cảng Sài Gòn (Cảng Sài Gòn) đã cùng nhau tổng kết lại kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023, sơ kết tình hình quý 1 năm 2024 và tìm những giải pháp kinh doanh năm 2024.
Theo đó, thị trường hàng hóa năm 2023 sụt giảm hơn so với năm trước do bị ảnh hưởng của dịch bệnh và chiến tranh giữa Nga và Ukraina làm ảnh hưởng đến sản lượng hàng hóa thông qua cảng. Chi phí hạ tầng cảng biển tác động sâu rộng đến việc hàng hóa di chuyển sang các cảng thuộc các tỉnh lân cận…
Khép lại năm 2023 với nhiều khó khăn nhất định, Cảng Sài Gòn đã đạt sản lượng hơn 8,6 triệu tấn cùng một số kết quả đáng khích lệ như: hoàn thành KPI về tăng trưởng tuyến dịch vụ container mới, nỗ lực trong việc thực hiện KPI về hàng gỗ viên nén, đã giữ được chân khách hàng truyền thống và tiếp thị thêm những mặt hàng mới trên địa bàn TP.HCM, thực hiện tốt công tác truyền thông và quảng bá, nhận diện thương hiệu Cảng Sài Gòn, trong năm đã đạt được 126 Kaizen đạt 126% so với chỉ tiêu 100 ý tưởng do Tổng Công ty đề ra…
Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động như sự leo thang xung đột chính trị ở khu vực Trung Đông, cước vận tải châu Âu tăng làm tăng khủng hoảng về logistics. Dự báo năm 2024, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có những điểm sáng đáng kỳ vọng như dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ tiến triển thuận lợi hơn do Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã trình Hội đồng thẩm định TP kết quả nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 với tĩnh không linh động 15/45 mét sẽ tạo điều kiện tốt cho dự án Cảng hành khách quốc tế tại khu vực Nhà Rồng – Khánh Hội.
Kết quả quý 1/2024, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng thuộc Cảng Sài Gòn đạt 2,5 triệu tấn đạt 28% kế hoạch và tăng 22% so cùng kỳ; sản lượng hợp nhất đạt 2,535 triệu tấn đạt 27% kế hoạch và tăng 23% so cùng kỳ.
Sản lượng hàng sắt thép nhập khẩu quý 1 qua Cảng Tân Thuận đạt hơn 600.000 tấn tăng 48% so cùng kỳ, hàng nội địa đạt hơn 290.000 tấn tăng 19% so cùng kỳ.
Sản lượng hàng container quý 1 đạt hơn 55.000 Teus tăng 26% so cùng kỳ, đạt 29% kế hoạch giao.
Nhìn chung, tình hình sản lượng hàng hóa về cảng trong quý 1/2024 tương đối ổn định. Trong năm 2024, các cảng trực thuộc Cảng Sài Gòn cần tăng cường công tác tiếp thị, phát triển thêm mặt hàng mới để tăng doanh thu, đầu tư một số trang thiết bị cơ bản khai thác hàng container ở Công ty CP Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước, tập trung khai thác những mặt hàng chiến lược Cảng Tân Thuận đang có.
Riêng Công ty CP Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước sau khi tổ chức Đại hội cổ đông bất thường lần thứ 1 vào đầu năm 2024, tình hình sản xuất kinh doanh có những tia sáng: tiếp nhận tàu khách, tàu siêu trường siêu trọng (tàu roro) chuyên chở mặt hàng thiết bị, xe ô tô; duy trì phát triển mảng xếp dỡ, kho bãi xe ô tô; huấn luyện phần mềm quản lý bãi xe cho đội ngũ chuyên viên làm tàu, đẩy nhanh công tác hợp tác khai thác bằng cẩu trục giàn – STS (ship to shore) chuyên dùng cho hàng container để đưa hãng tàu container về Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước…
Hoạt động các công ty liên doanh liên kết của Cảng Sài Gòn quý 1/2024 nhìn chung đang trong giai đoạn tái cơ cấu tài chính. Hiện các liên doanh đang trang bị thêm các thiết bị làm hàng container, mở rộng bãi, nâng cấp cầu bến để có thể tiếp nhận tàu có chiều dài và tải trọng lớn vào. Để tăng hiệu quả kinh doanh, các đơn vị này trong năm 2024 có những định hướng chiến lược tiếp thị mặt hàng container, hàng rời, đầu tư thêm trang thiết bị xếp dỡ để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Vừa qua, ngày 11/4/2024, cảng SSIT đã tiếp nhận thành công tàu MSC Giusy với trọng tải hơn 170.000 DWT, chiều dài 366m vào làm hàng. Đây là một cố gắng rất lớn của Ban lãnh đạo cảng SSIT khi triển khai thực hiện cho chuyến tàu MSC Giusy với mớn nước cao vào ra cảng SSIT an toàn theo phương án an toàn hàng hải được phê duyệt. Cộng thêm cảng SSIT vừa hoàn thành nạo vét duy trì độ sâu trước bến đạt 16,5 m, thuận lợi cho tàu có mớn nước lớn ra vào cảng khu vực Cái Mép làm hàng. Sự kiện này sẽ tạo tiền đề cho các chuyến tàu tương tự vào cảng SSIT và cả cụm cảng Cái Mép nói chung trong thời gian tới nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của Bộ Giao thông vận tải với độ sâu mới của tuyến luồng này – ông Phan Hoàng Vũ – Phó Tổng giám đốc cảng SSIT chia sẻ.
Lê Vương Đoan Tú