Trong chuyến thăm và làm việc tại TP Hồ Chí Minh cuối năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi tàu thủy từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến cửa biển Cần Giờ, trực tiếp thị sát đại dự án cảng Cần Giờ. Người đứng đầu Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt đến dự án mang tầm chiến lược này và khẳng định quyết tâm phải làm bằng được…
Cuộc hành trình của lịch sử
Bến tàu thủy ở trung tâm quận 1, bên bờ sông Sài Gòn, nơi con tàu chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ, lãnh đạo chủ chốt TP Hồ Chí Minh đi thị sát siêu dự án cảng Cần Giờ, nằm trong hệ thống công trình, di tích lịch sử-văn hóa, với điểm nhấn là di tích lịch sử Ba Son. Từ Ba Son đến Cần Giờ, hành trình bằng đường thủy lần lượt qua các tuyến sông Sài Gòn, sông Lòng Tàu, thẳng ra cửa biển Cần Giờ, tổng chiều dài hơn 60km. Từ nhiều năm nay, đây là tour du lịch đường thủy hấp dẫn bậc nhất, đồng thời là tuyến vận tải thủy sôi động, giàu tiềm năng ở Thành phố mang tên Bác.
Sau nhiều năm trùng tu, cải tạo, xây dựng mới, bờ sông Sài Gòn bên phía quận 1 đã trở thành một quần thể văn hóa với kết cấu kiến trúc hài hòa, vừa khang trang, hiện đại vừa đậm chất truyền thống, văn hóa sông nước. Đến đây, du khách được chiêm ngưỡng bên sông nước hữu tình là các công trình kiến trúc hiện đại, mang thông điệp, biểu tượng của hội nhập, phát triển. Bên mái ngói rêu phong trầm mặc là những tòa cao ốc nguy nga. Tất cả được kết cấu, kết nối liên hoàn, hội tụ những nét đặc trưng của một đô thị sông nước văn minh, hiện đại, là điểm đến hấp dẫn du khách. Từ cầu Khánh Hội qua di tích Cột cờ Thủ Ngữ, đến công viên bến Bạch Đằng, gặp bến tàu cao tốc tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền, ngược lên cầu Mống-một trong những cây cầu cổ nhất ở TP Hồ Chí Minh, rồi thong thả qua cầu Ba Son-cây cầu dây văng đẹp như một cung đàn vắt qua sông Sài Gòn… Quần thể văn hóa kiến trúc, lịch sử truyền thống này được xem là biểu tượng mới của TP Hồ Chí Minh trong thời hội nhập. Đó là những điểm “check-in” hấp dẫn, được các cặp uyên ương lựa chọn quay phim, chụp ảnh cưới, được du khách muôn phương ghi lại hình ảnh mỗi lần đặt chân đến Thành phố mang tên Bác…
Để có được diện mạo khang trang của một vùng đô thị đặc trưng sông nước như hôm nay là một cuộc hành trình của lịch sử. Cuộc hành trình trải dài suốt mấy trăm năm, từ thời Vua Gia Long lập bến, mở xưởng bên mé sông Sài Gòn, ròng rã trải qua hai cuộc kháng chiến đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đến hành trình vươn ra biển lớn của thế hệ hôm nay. Khi tìm hiểu lịch sử dải đất ven sông Sài Gòn này, chúng tôi đã tìm gặp nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Tết con Rồng năm nay, cụ Tư bước vào tuổi 105. Bậc đại thọ trong giới sử học, văn hóa học ở TP Hồ Chí Minh đã dành hơn 30 năm miệt mài nghiên cứu về vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định-TP Hồ Chí Minh.
Một trong những điều tâm đắc cụ Tư đúc kết khi nghiên cứu vùng đất này, đó là: Nói đến Sài Gòn là nói đến cuộc hành trình của lịch sử sông nước, cảng biển. Ngày nay và mai sau, khát vọng phát triển TP Hồ Chí Minh vươn tầm sánh vai với những đô thị hiện đại ở các cường quốc năm châu, nhất định phải dựa vào yếu tố đặc trưng này. Cụ Tư bày tỏ sự hài lòng, phấn khởi khi liên tục những năm qua, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã đặt trọng tâm khai thác thế mạnh đặc trưng sông nước, cảng biển thành chiến lược phát triển thành phố, có lộ trình căn bản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ đã thể hiện rõ sự đánh giá tiềm năng và tầm nhìn chiến lược của Đảng về vai trò “nhạc trưởng” của TP Hồ Chí Minh trong liên kết vùng.
Phát triển kinh tế-xã hội sông Sài Gòn, trong đó có việc hình thành những đô thị kiểu mẫu dọc hai bờ sông là hướng ưu tiên chiến lược của TP Hồ Chí Minh và các địa phương có chung lưu vực sông Sài Gòn như: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… với tổng chiều dài gần 300km. Để biến ý tưởng mang tính đột phá này thành hiện thực, thông qua mạng lưới truyền thông, TP Hồ Chí Minh đang lấy ý kiến rộng rãi của giới chuyên gia, nhà quản lý và đông đảo người dân, nhằm hiến kế, góp ý, xây dựng đề án chiến lược. Tháng 8-2023, lãnh đạo chủ chốt của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh chung lưu vực sông Sài Gòn đã có chuyến khảo sát bằng trực thăng, xây dựng dữ liệu hình ảnh quan trắc phục vụ cho chiến lược phát triển.
Lịch sử đã hình thành, chưng cất nên những giá trị văn hóa, văn minh sông nước độc đáo, cả những yếu tố vật thể và phi vật thể. Rất đáng tự hào khi những dấu ấn quan trọng qua các thời kỳ, từ thuở khẩn hoang hơn 300 năm trước đến những công trình thủ công sơ khai thời Vua Gia Long, trải dài theo cuộc trường chinh kháng chiến của dân tộc… đến nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Đó là chất liệu của văn hóa, là phương tiện của kinh tế, là cốt cách của phong tục… giúp Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thành phố mang tên Bác, dựa vào nền tảng vững chắc ấy để phát triển ổn định, hoạch định tương lai…
Cần Giờ vẫy gọi tương lai
Đứng ở bến Bạch Đằng ngắm khu di tích lịch sử Ba Son, kỷ niệm một thời trai trẻ ùa về theo từng đợt sóng dềnh lên trên sông Sài Gòn. Ngày ấy, vào mùa khô năm 1997, tôi gặp lại anh bạn Nguyễn Huy thuở chăn trâu cắt cỏ trên cánh đồng làng. Huy làm công nhân đóng tàu ở Xí nghiệp Liên hợp Ba Son, thuê căn phòng trọ nhỏ xíu trên gác một căn nhà nhỏ xíu, nằm trong một con hẻm cũng nhỏ xíu. Nhỏ thế, giản đơn thế nhưng ngày ấy có được công việc, cuộc sống như của Huy là mơ ước của biết bao thanh niên cùng trang lứa. Đêm, Huy dắt chiếc xe Honda 67 chở tôi vòng vèo dạo phố, làm hướng dẫn viên giới thiệu cho tôi về cảng Ba Son và những công trình lịch sử dọc dải đất bên bờ sông Sài Gòn. Tôi nghe mà ngưỡng mộ bạn. Ngày đơn vị dời về Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu), Huy nghỉ việc ở xí nghiệp, chuyển ra ngoài làm ăn, kinh doanh vật liệu xây dựng và bất động sản. Không chen chân ở những nơi đã phát triển ổn định, Huy theo con nước Lòng Tàu ra Cần Giờ làm ăn. Sự nghiệp kinh doanh cứ thế phất lên.
Chào đón năm mới 2024, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Huy dẫn tôi đi khám phá tour du lịch Cần Giờ, theo lộ trình con tàu chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác Chính phủ, lãnh đạo chủ chốt của TP Hồ Chí Minh đi thị sát dự án siêu cảng Cần Giờ tháng trước.
Bước vào khoang thuyền có cảm giác như ngồi ở một căn phòng trong khách sạn hạng sang: Sạch sẽ, thơm tho, tươm tất, tiện nghi, tiện ích… Nụ cười và tà áo bà ba của những cô nhân viên phục vụ đua sắc với hoa xuân đương thì rực rỡ khắp công viên. Từ những góc nhìn cận cảnh như thế này mới thấy rõ hơn, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư cho du lịch, đặc biệt là du lịch sông nước, đặt kỳ vọng vào du lịch rất cao. Và kết quả đạt được vượt ngoài mong đợi. Năm 2023, tổng thu từ du lịch của TP Hồ Chí Minh đạt hơn 160.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2019. Thành phố đã đón khoảng 35 triệu lượt du khách trong năm 2023, dự báo năm 2024 sẽ tiếp tục là “mùa vàng” của du lịch TP Hồ Chí Minh, trong đó, hướng biển Cần Giờ là một trong những điểm đến chủ đạo. Ngay chuyến tàu chở chúng tôi hôm ấy đã phần nào chứng minh điều này khi khoang thuyền không còn một chỗ trống.
Tàu lướt sóng êm ru. Cần Giờ hiện ra xanh biếc, một bên là rừng đước bạt ngàn, kênh rạch như những dải lụa thẫm luồn qua tán đước đương mùa nảy lộc, một bên là cửa biển mở ra mênh mông. “Siêu cảng Cần Giờ đó! Khi dự án hoàn thành, toàn bộ vùng sóng trắng mênh mông này sẽ tấp nập tàu, thuyền”, Nguyễn Huy đưa tay vẽ một vòng trong không trung, nói chắc nịch.
Chiều lòng khách, cô nhân viên điều khiển màn hình cho chúng tôi xem video phối cảnh siêu cảng Cần Giờ được thiết kế bằng công nghệ 3D, sống động như thật. Rất đồ sộ, hoành tráng và cũng rất nên thơ!
Lại nhớ cuộc gặp với Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khi thành phố triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù theo định hướng của Đảng và nghị quyết của Quốc hội. Người đứng đầu chính quyền TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã xây dựng đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và đang gửi xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương trước khi trình Thủ tướng Chính phủ. Việc xây dựng đề án mang tầm chiến lược này được Thủ tướng dành sự quan tâm đặc biệt. Làm việc với lãnh đạo chủ chốt của TP Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng yêu cầu cán bộ phải có tư duy đột phá đối với những dự án mang tầm chiến lược. Với siêu cảng Cần Giờ, Thủ tướng nhấn mạnh: Đã đưa ra giải pháp đổi mới, đột phá thì chuyện có ý kiến khác nhau là bình thường, vấn đề là làm sao chúng ta giải trình được và thấy đó là việc có lợi cho dân, cho nước thì cứ thế mà làm… Điều quan trọng là đưa ra giải pháp tốt nhất để giữ được rừng nguyên sinh, tạo sự kết nối giữa Cần Giờ và quốc tế, phát triển giao thông xanh…
Từ Ba Son đến Cần Giờ là cuộc hành trình lịch sử, mở ra hướng đi mới, bằng tư duy mới, đột phá mới. Mùa xuân Giáp Thìn 2024 đặt một dấu mốc quan trọng cho hành trình chiến lược ấy, khi đề án được trình lên Thủ tướng Chính phủ đúng kế hoạch, tiến độ.
Ghi chép của Thanh Kim Tùng – Quân Đội Nhân Dân