Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ưu tiên phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Điểm đáng chú ý tại đề xuất thay đổi là việc quy hoạch ưu tiên phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM) theo Nghị quyết số 81/2023 của Quốc hội.
Từ đó, Bộ GTVT cũng đề xuất điều chỉnh bổ sung cảng biển TP.HCM quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt. Bởi sau khi hình thành bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng biển TP.HCM đủ tiêu chí phân loại là cảng biển đặc biệt theo quy định tại Bộ luật Hàng hải 2015.
Ngoài ra, quy hoạch cũng đề xuất sửa đổi các dự báo về sản lượng hàng hóa thông qua cảng sau khi cập nhật những quy hoạch chuyên ngành liên quan.
Cụ thể, với hàng container, điều chỉnh tăng khoảng 7,3 – 8,3 triệu Teu, tập trung ở nhóm cảng biển số 1 tăng khoảng 0,9 -1,8 triệu Teu và nhóm cảng biển số 4 tăng khoảng 5-6 triệu Teu.
Đối với hàng rời, điều chỉnh tăng khoảng 145 -170 triệu tấn, trong đó hàng phục vụ các dự án nhà máy sản xuất chế biến alumin tăng 16 – 27 triệu tấn, hàng hóa của các dự án nhà máy/khu liên hợp gang thép tăng 100 – 105 triệu tấn, hàng hóa của các dự án nhà máy chuyên dụng theo đề xuất của các địa phương tăng 8 – 12,5 triệu tấn và than tăng 20 – 23 triệu tấn do cập nhật phương pháp thống kê hàng than đến và rời tại các khu chuyển tải (thực tế lượng than tiêu thụ giảm 20 – 25 triệu tấn do dừng triển khai một số dự án nhiệt điện than).
Với hàng lỏng, khí, tổng lượng hàng thay đổi không đáng kể nhưng cơ cấu đối với từng loại hàng có sự thay đổi so với trước đây.
Theo đó, điều chỉnh tăng lượng hàng LNG khoảng 19,5 – 28 triệu tấn, giảm 34 triệu tấn hàng xăng dầu của 3 dự án nhà máy lọc dầu; tăng khoảng 13,5 triệu tấn từ các dự án kho dự trữ xăng dầu tại các địa phương.
Riêng hàng trung chuyển quốc tế, Bộ GTVT đề xuất bổ sung nhu cầu hàng hóa trung chuyển quốc tế thông qua khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khoảng 4,8 triệu Teu năm 2030 và bổ sung nhu cầu hàng hóa trung chuyển quốc tế thông qua khu bến Liên Chiểu khoảng 0,5÷1 triệu TEU năm 2030;
Các dự báo này cập nhật theo kết quả của “Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh” được Thủ tướng Chính phủ giao TP.HCM thực hiện và đề xuất dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu do UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện.
Khối lượng hàng trung chuyển container quốc tế sẽ được xác định cụ thể khi quyết định chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư tham gia dự án.
Đồng thời, điều chỉnh tăng dự báo tổng lượt hành khách thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam khoảng 6 – 9 triệu lượt hành khách/năm so với Quy hoạch 1579.
Điều chỉnh, bổ sung nhu cầu vận tải hành khách từ bờ ra đảo, khách du lịch biển đảo (bao gồm cả khách quốc tế và nội địa) tăng khoảng 3,5 – 5 triệu lượt hành khách/năm so với trước đây.
Bổ sung lượng khách thông qua các bến du thuyền khoảng 2- 3 triệu lượt hành khách/năm. Dự báo hành khách thông qua cảng biển đến năm 2030 đạt từ 17,4-18,8 triệu lượt hành khách, tăng trưởng 14,3 – 15,4%/năm giai đoạn 2022-2030.
Tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch khoảng 33.800 ha
Từ việc cập nhật theo kết quả nội dung điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng cảng biển và rà soát, đồng bộ với các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố, tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch cũng được điều chỉnh.
Theo đó đến 2030, tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch khoảng 33.800 ha (bao gồm diện tích các khu công nghiệp, logistics… gắn với cảng) và tổng nhu cầu sử dụng mặt nước phát triển hệ thống cảng biển theo quy hoạch đến 2030 khoảng 606.000 ha (chưa bao gồm diện tích vùng nước khác trong phạm vi quản lý không bố trí công trình hàng hải 707.000 ha).
Nhu cầu vốn đầu tư của hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 351.500 tỷ đồng.
Trong các dự án ưu tiên đầu tư, ưu tiên đầu tư phần hạ tầng công cộng của khu bến cảng ngoài khơi Trần Đề để phù hợp với quan điểm phát triển của quy hoạch “ưu tiên nguồn lực nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, nhất là các cảng cửa ngõ quốc tế.
Cùng đó, nạo vét luồng Định An – Cần Thơ cho tàu trọng tải từ 10.000 tấn trở lên bằng nguồn xã hội hóa để phù hợp Nghị quyết số 45/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Đặc biệt, quy hoạch cũng đề xuất bổ sung giải pháp thực hiện bằng việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình phù hợp; Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phương tiện thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh, kết cấu hạ tầng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, cung ứng năng lượng xanh; chú trọng công nghệ, công nghiệp hỗ trợ phát triển phương tiện, trang thiết bị hàng hải sử dụng điện, năng lượng xanh.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực thu gom nước thải, rác thải tại các cảng bến, cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu, phương tiện vận tải theo hướng cảng biển xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và thực hiện cam kết phát thải ròng về “0” vào năm 2050 của Việt Nam.
Hoàng Anh – Báo Giao Thông