Ngày 4/12, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh trình Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kết quả nghiên cứu, đề xuất chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT). Theo phương án đề xuất mới, cầu Thủ Thiêm 4 có thiết kế tĩnh không thông thuyền như sau: Khi hoạt động bình thường có tĩnh không 15m; khi có tàu lớn đi qua tĩnh không 45m.
Đầu tư BOT, nguồn vốn 6.000 tỷ đồng
Theo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 có tổng mức đầu tư khoảng 6.030 tỷ đồng (bao gồm lãi vay). Trong đó, vốn Ngân sách thành phố khoảng 2.826,3 tỷ đồng (chiếm 49,5% tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay); vốn BOT khoảng 2.883,4 tỷ đồng (chiếm 50,5% tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay).
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2024-2028, thời gian xây dựng từ 2025-2028. Thời gian thu phí BOT: 18 năm 8 tháng (Từ năm 2028 đến 2048).
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, việc xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 sẽ giúp giảm áp lực giao thông cho trục đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, cầu Khánh Hội, nút giao thông, Huỳnh Tấn Phát – đường Lưu Trọng Lư – đường Bến Nghé, nút giao thông Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh, khu công nghiệp Tân Thuận,…
Bên cạnh đó, việc đầu tư công trình còn tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển du lịch, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển nhanh Khu đô thị mới Thủ Thiêm; tạo động lực mới thúc đẩy phát triển Khu đô thị mới phía nam thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh.
Do vậy, dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 được thành phố xác định là dự án trọng điểm, cấp bách, cần ưu tiên đầu tư để dần đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung toàn khu theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Cầu Thủ Thiêm 4 với kiến trúc độc đáo, hài hòa và với kết cấu phù hợp sẽ là điểm nhấn thu hút du lịch, tạo thuận lợi cho việc khai thác bến tàu khách quốc tế trên sông Sài Gòn, làm gia tăng hiệu quả kinh tế và mang lại các tiện ích, phúc lợi cho cộng đồng xã hội, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh“, ông Trần Quang Lâm nhận xét.
Theo phương án do Sở Giao thông vận tải trình thành phố, tổng chiều dài toàn tuyến cầu Thủ Thiêm 4 khoảng 2,16 km (cầu Thủ Thiêm 4 dài khoảng 1.635m, phần đường dẫn hai đầu cầu dài khoảng 525m). Quy mô mặt cắt ngang cầu gồm 6 làn xe (4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp). Kết cấu nhịp chính là dầm thép; bố trí 2 trụ tháp bằng bê tông cốt thép cùng với hệ nâng.
Vì một Thành phố Hồ Chí Minh phát triển
Thiết kế tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 vừa được Sở Giao thông vận tải trình Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện tinh thần cầu thị, trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải trước những góp ý, hiến kế của các chuyên gia kinh tế, đô thị đầu ngành tại hội thảo “Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực cảng Sài Gòn” do Báo Nhân Dân tổ chức vào trung tuần tháng 8/2023.
Tại hội thảo này các chuyên gia cho rằng, nếu với thiết kế tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4 (thiết kế cũ) sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển kinh tế ven sông, phát triển du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện cơ chế đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Cảng Sài Gòn – Một vị trí có tính lịch sử, văn hóa đã từng là thương cảng quốc tế sầm uất thì nên chuyển thành một trung tâm dịch vụ tàu biển quốc tế hay “giết chết” nó để biến nơi đây thành chỗ ở, những biệt thự, chung cư là một câu hỏi cần thành phố phải có lời giải nghiêm túc.
Nơi đây, theo ông Lịch phải là một mảnh đất hoạt động thương mại dịch vụ du lịch, một điểm nhấn về kinh tế. Nó gắn với trung tâm quận 1 và trong tương lai không còn phân biệt quận 1, quận 4 trên mảnh đất này về hành chính, địa lý.
Địa điểm dự án nằm ở thành phố Thủ Đức và quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. Điểm đầu kết nối với đường Nguyễn Văn Linh tại khu vực giao với đường dẫn cầu Tân Thuận 2, quận 7; điểm cuối kết nối với đường Nguyễn Cơ Thạch tại nút giao thông đường R4, thành phố Thủ Đức.
Tổng diện tích đất sử dụng để thực hiện dự án khoảng 16,7 ha, với tổng số tổ chức cá nhân và hộ dân bị ảnh hưởng khoảng 134 trường hợp. Dự toán, kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 1.387,6 tỷ đồng.
Đồng quan điểm, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, nước ta chỉ có năm thành phố được coi là “thành phố cảng” là Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu (xưa là Cap Saint Jacques), Quy Nhơn, Đà Nẵng (Tourane) và Hải Phòng.
Mặc dù nhiều tỉnh khác cũng có những cảng quy mô không nhỏ như: Cái Lân (Quảng Ninh), Dung Quất (Quảng Ngãi), Cửa Lò (Nghệ An), Chân Mây (Thừa Thiên-Huế) hay Khánh Hòa thậm chí có hai cảng quan trọng là Vân Phong và Cam Ranh… nhưng không thể mang danh xưng là “thành phố cảng”.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, “thành phố cảng” là những đô thị mà yếu tố “cảng” không những từng là cội nguồn lịch sử hình thành mà còn là động lực cho sự phát triển của đô thị ấy. Nó trở thành một khái niệm chứa đựng cả giá trị lịch sử (tuổi thọ và vị thế trong nền kinh tế quốc dân cũng như hệ thống hàng hải quốc tế). “Trong số năm ‘thành phố cảng’ ấy, mỗi thành phố có những đặc thù riêng nhưng ‘thành phố cảng Sài Gòn’ phải được xem là sớm nhất theo khái niệm ‘thành phố’ hiện đại với những tiêu chí phổ quát của thế giới”.
Do vậy, quá trình phát triển du lịch và văn hóa đòi hỏi phải khai thác tối đa những di sản vật thể và phi vật thể về giá trị một “thành phố cảng” mang tính “kinh điển” của thành phố Sài Gòn nay đã mang tên Thành phố Hồ Chí Minh. Mà trung tâm mang tính tiêu biểu của “thành phố cảng Sài Gòn” chính là không gian từ quận 4 qua quận 1 gắn với Nhà Rồng, Cột cờ Thủ Ngữ cho đến bến Bạch Đằng.
Chuyên gia này cho rằng, mặc dù không gian của cảng Sài Gòn-Thành Phố Hồ Chí Minh ngày nay vươn ra rất xa và chiếm lĩnh những không gian rất rộng lớn cũng như những trang thiết bị, kho tàng hiện đại hơn rất nhiều, nhưng hình ảnh thiếu vắng cảnh thuyền bè tấp nập, trên bến dưới thuyền, đặc biệt là những phương tiện gắn với du lịch… thì hình ảnh hay thương hiệu “thành phố cảng Sài Gòn” với bề dày hơn một thế kỷ rưỡi tồn tại cho đến nay sẽ phai nhạt và có khi không còn nữa.
“Hệ trọng hơn hết là dòng sông Sài Gòn đi sâu vào trong lòng thành phố cũng có nguy cơ bị đứt đoạn nếu không quan tâm đến độ tĩnh không của các cây cầu đã và sẽ xây (cầu Thủ Thiêm 3, 4, cầu bộ hành). Nếu chỉ coi là công trình giao thông đường bộ nội đô thì cũng có nghĩa là khai tử không gian lõi cũng như danh vị “thành phố cảng”. Hình ảnh những con tàu, nhất là những tàu du lịch (cruise ship), một phương tiện mà thế giới đang phát triển mạnh mẽ lừng lững đi sâu vào lòng thành phố, cập bến ngay trong trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp cận rất gần các thiết chế chính trị văn hóa và kinh tế của Thành phố như: Tòa thị chính (trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh), tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh – biểu tượng của thành phố, Nhà hát Thành phố, các khu thương mại, du lịch trung tâm… thì hình ảnh và thương hiệu của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thể hiện được đẳng cấp và giá trị của một “thành phố cảng”.
Do vậy muốn bảo vệ danh xưng hay thương hiệu “Thành phố cảng Sài Gòn” cho Thành phố Hồ Chí Minh thì trước tiên phải bảo vệ chính không gian cái lõi của cảng Sài Gòn trong lịch sử và con sông Sài Gòn dẫn tàu bè vào sát trung tâm thành phố, cũng có nghĩa là không có chướng ngại nào trên dòng sông ấy”’…
Đồng quan điểm, PGS,TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội nhập, gắn với sông nước, các công trình kiến trúc ven sông. Sài Gòn, Đồng Nai là những dòng sông thuần Việt rất hiếm. Do vậy, các con sông này cần được bảo vệ và có giải pháp phát huy lợi thế vốn có.
QUÝ HIỀN-TÙNG QUANG – Người Lao Động