Nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa Cảng Sài Gòn và Cảng OSAKA (Nhật Bản), đồng thời là dịp để hai bên trao đổi kỹ thuật với nhau qua các chủ đề “Kinh doanh cảng”, “Giảm khí thải carbon” và “Cảng thông minh”, Cảng Sài Gòn đã có chuyến thăm và làm việc theo lời mời của Cảng Osaka, từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 8 năm 2023.
Về phía đoàn Cảng Sài Gòn, có ông Võ Hoàng Giang – Bí thư đảng ủy, Phó chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Lê Chơn Tâm – Tổng giám đốc. Đón tiếp đoàn tại Cảng Osaka có ông Maruyama Junya -Tổng giám đốc; ông Inoue Kotaro – Giám đốc điều phối; ông Hideyuki Takahashi – Giám đốc chiến lược và các thành viên trong ban điều hành Cảng cùng tham dự.
Từ năm 1993 đến nay, Cảng Sài Gòn và Cảng Osaka & Harbors Bureau thường xuyên tổ chức Chương trình trao đổi kỹ thuật nhằm thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị hợp tác phát triển theo định kỳ hàng năm. Như thường lệ thì năm nay là dịp để hai bên gặp gỡ trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau qua các chủ đề “Kinh doanh cảng”, “Giảm khí thải carbon” và “Cảng thông minh”.
Tại buổi làm việc, đại diện Cảng Osaka, Tổng giám đốc Maruyama Junya đánh giá cao chuyến thăm và làm việc lần này của Cảng Sài Gòn. Ông chia sẻ về những mô hình hoạt động số hóa tại Cảng, các bến cảng và các dự án trong đó có Cảng trung hòa carbon (CNP) tại khu vực Minato, Osaka. Ông rất mong muốn hai bên có nhiều cơ hội gắn kết hơn bằng những chương trình hành động cụ thể nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa Cảng Sài Gòn và Cảng Osaka.
Đáp lại tình cảm của Cảng Osaka, ông Nguyễn Lê Chơn Tâm – Tổng giám đốc đại điện Cảng Sài Gòn cảm ơn sự tiếp đón nhiệt tình của Ban lãnh đạo Cảng và đánh giá cao đề nghị của Cảng Osaka “Tăng cường mối quan hệ hữu nghị hợp tác và phát triển” giữa hai bên. Ông Tâm chia sẻ trong bối cảnh thế giới, lĩnh vực vận tải container đang phát triển mạnh, sản lượng trên thế giới đang tăng cao so với cùng kỳ và Việt Nam rất mong muốn được tham gia nhóm vận tải quốc tế này. Ông cũng cho biết thêm Việt Nam từng bước phát triển về lĩnh vực cảng biển, ngoài những bến cảng nước sâu như Cái Mép – Thị Vải, Vân Phong, Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn (Hải Phòng) như hiện nay, thì theo quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030; tầm nhìn đến năm 2050 theo nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09.01.2023 của Quốc Hội, Việt Nam sẽ đầu tư phát triển Cảng Trung chuyển quốc tế ở Cần Giờ tại vị trí cửa ngõ Tp. HCM, do Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC), Cảng Sài Gòn và Hãng tàu lớn nhất thế giới MSC/TIL thực hiện.
Kết thúc buổi làm việc, theo lộ trình tham quan, đoàn công tác Cảng Sài Gòn được ban lãnh đạo Cảng Osaka đưa đi tham quan các mô hình hoạt động tại cảng Osaka và các dự án đang thực hiện.Trong đó có dự án Cảng trung hòa carbon mà cảng Osaka là chủ đầu tư và kết thúc chuyến thăm ngày 23.08.2023. Với những lợi thế sẵn có, cả 2 bên đều tin tưởng rằng Cảng Sài Gòn và Cảng Osaka sẽ có nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai.
Chương Phạm