Đó là một trong rất nhiều nội dung được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, lãnh đạo sở ban ngành và các doanh nghiệp du lịch đưa ra trong buổi hội thảo “Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực Cảng Sài Gòn” chiều ngày 18.08.2023 và Cảng Sài Gòn rất vinh dự được Báo Nhân Dân chọn làm nơi tổ chức hội thảo.
Tham dự hội thảo có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện UBND TP HCM có đồng chí Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM và nhiều lãnh đạo sở ban ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, lịch sử. Thành phần khách mời có đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – VIMC là ông Lê Anh Sơn – Chủ tịch HĐQT; đại diện Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn có ông Võ Hoàng Giang – Bí thư đảng ủy, ông Huỳnh Văn Cường – Chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Lê Chơn Tâm – Tổng giám đốc và nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch Thành phố cùng tham dự.
Phát biểu mở đầu hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh – Tổng biên tập Báo Nhân Dân đánh giá cao sự phát triển của TP HCM trong những năm qua. Ông cũng khẳng định tầm quan trọng của cầu Thủ Thiêm 4 với TP HCM, do đó việc tính toán thiết kế tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4 sẽ ảnh trực tiếp đến việc quy hoạch, phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch đường sông của bến Cảng Sài Gòn. Thiết kế cầu có tĩnh không cao sẽ giúp khu vực Cảng Sài Gòn đón nhận được tàu khách lớn cập bến, từ đó có thể quy hoạch lại Cảng Sài Gòn chuyển đổi công năng thành cảng du lịch quốc tế để phát triển kinh tế ven sông đồng thời có thể giữ gìn và phát huy di sản văn hóa lịch sử Cảng Sài Gòn. Ngược lại thiết kế tĩnh không thấp sẽ đánh mất đi tiềm năng sông nước tại khu vực này.
Tiếp nối câu chuyện của TS Trần Du Lịch, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: Hãy giữ mãi thương hiệu “Thành phố Cảng” và khẳng định Thành phố có thể xây dựng các bến cảng ra Cần Giờ, Vũng Tàu,… nhưng đừng xoá sổ cái tên Thương cảng Sài Gòn đã gắn với lịch sử thành phố hơn 300 năm. Vị chuyên gia này khẳng định, nếu không quan tâm đến độ tĩnh không của các cây cầu, tàu thuyền không thể hoạt động thì sông Sài Gòn sớm bị bồi lấp qua đó khai tử “không gian cốt lõi” cũng như danh vị “Thành phố Cảng”.
Đồng quan điểm với các chuyên gia, Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – VIMC cho rằng, TP Hồ Chí Minh có lợi thế rất lớn về phát triển kinh tế và du lịch đường biển. Để giữ lại những lợi thế, phát huy giá trị lịch sử, cộng đồng có vai trò rất quan trọng, đặc biệt của những người đứng đầu thành phố. Ông cho rằng, với một vị trí, một lợi thế đặc biệt như thế, Thành phố Hồ Chí cần tìm cách đầu tư, duy trì và bảo tồn.
Đại diện Cảng Sài Gòn, Thương Cảng hơn 160 năm hình thành và phát triển ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn khẳng định với việc phục hồi kinh tế hiện nay, lượng khách du lịch được dự báo sẽ sớm tăng trưởng lại từ 2024. Ông nhận định, nếu hệ thống giao thông được kết nối tốt hơn về cả đường bộ lẫn đường sông sẽ tạo nên một lợi thế cực kỳ lớn về du lịch cho Thành phố. Tuy nhiên, phương tiện duy nhất hiện nay vẫn chủ yếu là xe cơ giới.
Sông Sài Gòn là một tài sản quý giá, không chỉ về kinh tế mà còn mang giá trị lịch sử – văn hóa. Do đó, Cảng Sài Gòn mong muốn lãnh đạo thành phố, các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu đưa ra phương án tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 phù hợp để tàu khách 3.500 GT vào được khu bến Nhà Rồng – Khánh Hội, phù hợp tĩnh không 45 mét cầu Phú Mỹ để biến khu vực Cảng Sài Gòn thành bến cảng du lịch trung tâm của Thành phố và là nơi sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện quan trọng của TP HCM như “Lễ hội sông nước lần thứ 1 TPHCM” được tổ chức ngày 06.08.2023 vừa qua, phù hợp với Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ông cũng cho rằng Cảng Sài Gòn với hơn 160 năm hình thành và phát triển, có bề dày lâu đời về lịch sử, được xem là một trong những di sản của Sài Gòn – Gia Định và Thành phố Hồ Chí Minh 325 năm. Do đó, Cảng Sài Gòn đề xuất UBND Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giữ lại tòa nhà văn phòng Cảng Sài Gòn, Bến Nhà Rồng nơi lưu lại dấu tích thiêng liêng về người anh hùng dân tộc Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.
Dự án Cầu Thủ Thiêm 4 nằm trong 11 dự án quan trọng được Sở Giao thông vận tải TP.HCM đưa vào danh sách trình HĐND TP.HCM tại kỳ họp tháng 7-2023. Dự án có tổng mức đầu tư ước tính khoảng 5.300 tỉ đồng. Theo quy hoạch, cầu sẽ được xây dựng từ đường Nguyễn Cơ Thạch (TP Thủ Đức) bắc qua sông Sài Gòn và nối với đường Lưu Trọng Lư (quận 7). Dự án sau khi hoàn thành sẽ giúp hạn chế xe cộ vào nội thành, giảm ùn tắc giao thông phía nam TP.HCM. Đồng thời, cây cầu tăng sự kết nối với khu đô thị Thủ Thiêm, thu hút đầu tư phát triển kinh tế – xã hội.
CHƯƠNG PHẠM – CSG