Đã quý III nhưng dấu hiệu của mùa cao điểm cuối năm chưa rõ ràng khiến các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển không có nhiều hy vọng tăng trưởng.
Đã ít tàu lại trùng lịch
Kết thúc quý II/2023, Công ty CP Cảng Xanh VIP (Hải Phòng) thông báo doanh thu đạt 216 tỷ đồng tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm hơn 20%, chỉ đạt hơn 61,9 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm 2023, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm tới 24%, đạt 109 tỷ đồng,
Theo doanh nghiệp này, nguyên nhân giảm lợi nhuận một phần do thời gian qua, lịch tàu trùng nhiều khiến nhiều thời điểm phải điều động tàu sang cảng của doanh nghiệp khác.
Quý III thường là mùa cao điểm hàng hóa với các cảng biển nhưng năm nay, dấu hiệu tăng trưởng chưa rõ ràng.
Là doanh nghiệp có hệ thống cảng biển lớn dọc từ Bắc tới Nam, Công ty CP Gemadept cũng công bố kết quả kinh doanh quý II với doanh thu thuần đạt 912 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Gemadept ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.814 tỷ đồng, giảm 2% so với nửa đầu năm 2022.
Góp phần vào những chỉ số đi xuống này của Gemadept là do hoạt động khai thác cảng biển không khởi sắc, trong khi mảng dịch vụ này chiếm tới 74% tổng doanh thu của doanh nghiệp. Còn lại là hoạt động logistics, cho thuê văn phòng.
Tuy nhiên, bức tranh màu xám không phủ lên tất cả các cảng. Trong quý II vừa qua, Công ty CP Cảng Chân Mây (Thừa Thiên – Huế) có sự tăng trưởng khá tốt khi có lợi nhuận sau thuế đạt 236,9 tỷ đồng, tăng 3,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Theo lý giải của lãnh đạo Cảng Chân Mây, nguyên nhân chính của việc gia tăng lợi nhuận do sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng hơn 20,3%, doanh thu tăng khoảng 47,5% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng tại khu vực miền Trung, Cảng Đà Nẵng có lợi nhuận trước thuế đạt 88,1 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức 71,19 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại khu vực miền Bắc, Cảng Hải Phòng ghi nhận mức tăng trưởng khi lợi nhuận sau thuế đạt hơn 218,1 tỷ đồng, tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực cảng biển, mức tăng trưởng của các cảng tùy thuộc vào tính chất đặc thù của khu vực cảng.
Trong đó, tùy khu vực, vị trí, là cảng nước sâu hay cảng sông, khu vực có các tàu chạy nội Á, nội địa hay tàu mẹ… mà các cảng có kết quả kinh doanh khác nhau.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2023, theo thống kê của Cục Hàng hải VN, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt 362,7 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022.
Số lượt tàu biển thông qua cảng biển giảm sâu hơn, tới 7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 48,7 nghìn lượt.
Thị trường khó đoán và động thái của các doanh nghiệp
Nhận định thị trường có dấu hiệu phục hồi, ông Phan Hoàng Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Liên doanh dịch vụ container quốc tế Cảng Sài Gòn – SSA (SSIT) cho biết, tháng 7 vừa qua, sản lượng hàng hóa qua cảng SSIT tăng trưởng khoảng 28% so với tháng 6.
Theo Hiệp hội Chủ tàu VN, nửa cuối năm 2023, hàng tồn kho còn nhiều nên các nhà nhập khẩu chưa có nhu cầu lớn bổ sung hàng hóa từ các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, mặt bằng chung tại khu vực Cái Mép – Thị Vải 6 tháng qua vẫn sụt giảm đáng kể sản lượng hàng hóa, thậm chí giảm tới 15% so với cùng kỳ năm 2022.
Mỗi năm, thời điểm bước sang quý III thường là mùa cao điểm với các cảng biển và vận tải biển, chuẩn bị hàng hóa cho các dịp lễ cuối năm tại các thị trường lớn như châu Mỹ, châu Âu.
Nhưng năm nay, dấu hiệu chưa rõ ràng khiến các doanh nghiệp hoang mang.
“Điều các doanh nghiệp trông đợi nhất hiện nay là có thêm những nguồn hàng mới và hãng tàu tăng cường mở tuyến”, ông Vũ nói và cho biết thêm, việc Nhà nước đang xem xét điều chỉnh Thông tư 54/2018 để tăng giá sàn xếp dỡ container hàng hóa cũng là điều nhiều doanh nghiệp cảng biển kỳ vọng.
Trong khi đó, ông Tạ Công Thông, Giám đốc Công ty CP Cảng Xanh VIP thông tin, hiện tại, giá cước thuê tàu giảm, cước vận tải biển giảm, nhiều hãng tàu phải rút tuyến do thua lỗ. Với thị trường xuất nhập khẩu, nhiều nhà máy đã phải đóng cửa, đơn hàng giảm đang là thực trạng đáng lo lắng.
“Việc bốc xếp hàng hóa tại cảng biển phụ thuộc phần lớn vào nhu cầu của thị trường, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. Do đó, tình hình cuối năm chưa có nhiều tín hiệu sáng cho các doanh nghiệp”, ông Thông chia sẻ.
Để tìm kiếm và tận dụng các thời cơ trong bối cảnh thị trường diễn biến khó lường, lãnh đạo Cảng Xanh VIP đề nghị nâng cấp luồng lạch tại khu vực kênh Hà Nam (Hải Phòng) để các cảng thuận tiện hơn trong việc đón các tàu có xu hướng ngày càng tăng về kích cỡ như hiện nay.
Bên cạnh chờ đợi những chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý, theo khảo sát của PV, nhiều doanh nghiệp cảng biển lại có lối đi riêng.
Tại khu vực Cái Mép – Thị Vải, cảng SSIT vừa mở rộng kho bãi khoảng 10ha. Tại Hải Phòng, Cảng Xanh VIP đang đầu tư, mở rộng cầu bến, duy trì bảo dưỡng trang thiết bị, nâng cấp bãi và mở rộng một số depot. Cảng Hải Phòng cũng dự kiến thực hiện dự án mua sắm xe, khung cẩu, đầu tư xây dựng bãi giáp nhà đội cơ giới, cần trục.
Theo đánh giá của chuyên gia, việc chọn thời điểm giảm lượng tàu ra vào cảng để đầu tư cũng là một giải pháp có thể tạo khoảng cách với các cảng khác khi thị trường tăng trưởng trở lại.
Nguồn: baogiaothong.vn