Chiều nay 18.7, ngay sau khi chủ trì Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khảo sát thực địa, tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của huyện Cần Giờ và nghe báo cáo về đề án “Nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ“.
5,4 tỉ “đô” đầu tư cảng Cần Giờ
Từ ga tàu cao tốc Bạch Đằng tại quận 1, Thủ tướng và đoàn công tác di chuyển bằng tàu thủy trên khoảng 60 km đường sông về cửa biển Cần Giờ.
Báo cáo Thủ tướng về đề án “siêu” cảng trung chuyển, đại diện đơn vị tư vấn đã giới thiệu chi tiết về vị trí, các thuận lợi về tự nhiên cũng như tiềm năng của dự án. Cụ thể, vị trí cảng nằm tại khu vực cù lao Phú Lợi nằm ở cửa sông Cái Mép (thuộc huyện Cần Giờ), kết nối thuận lợi với luồng hàng hải và luồng đường thủy. Khu vực này nằm trong vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và việc xây dựng cảng không ảnh hưởng đến vùng lõi khu dự trữ sinh quyển.
Với tổng vốn đầu tư dự kiến 5,4 tỉ USD, cảng Cần Giờ sẽ được đầu tư khai thác với công nghệ hiện đại nhất hiện nay, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tối ưu hóa hoạt động. Đặc biệt, đây là công trình có lợi thế rất lớn khi được hãng tàu MSC – hãng tàu lớn nhất thế giới quan tâm, đề xuất đầu tư và cam kết đảm bảo nguồn hàng.
Theo lộ trình, công tác chuẩn bị đầu tư sẽ được triển khai từ năm 2023 đến 2024. Từ năm 2024 đến 2026 triển khai xây dựng và đưa vào khai thác cảng từ năm 2027. Quy mô đầu tư bến cảng đề xuất xây dựng cho tiếp nhận tàu mẹ trọng tải lên đến 250.000 DWT. Tổng chiều dài bến chính và bến sà lan lần lượt là 6,8 km và 1,9 km.
Về nguồn vốn, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, công trình phụ trợ, trung tâm dịch vụ logistics… sẽ được đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp (nhà đầu tư). Còn hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối cảng sẽ đầu tư bằng vốn ngân sách, hợp tác công tư (PPP) hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác.
Hàng loạt dự án giao thông kết nối Cần Giờ
Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến vấn đề kết nối giao thông và đánh giá tác động tới môi trường của dự án. Phía đơn vị tư vấn thông tin: Cảng nằm ở vị trí cù lao độc lập, hiện tại chưa có hệ thống giao thông kết nối đường bộ.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, TP.HCM sẽ làm cầu Cần Giờ kết nối huyện Cần Giờ với huyện Nhà Bè. Cùng với đó, nâng cấp mở rộng đường Rừng Sác, xây nút giao tuyến này kết nối với cao tốc Bến Lức – Long Thành. Sau năm 2030, thành phố tiếp tục làm đường kết nối từ vị trí xây dựng cảng với đường Rừng Sác. Tuyến đường trên cao dọc theo đường Rừng Sác, từ nút giao đường Rừng Sác và cao tốc Bến Lức – Long Thành tại xã Bình Khánh đến nút giao đường kết nối cảng tại xã Long Hòa sẽ được xây dựng. Ngoài ra, Sở GTVT TP cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng tuyến metro dọc theo đường Rừng Sác kết nối từ khu đô thị biển Cần Giờ với tuyến metro số 4 tại huyện Nhà Bè.
Làm việc với Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cùng các cơ quan chuyên môn, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định cảng Cần Giờ có khả năng thu hút hàng hóa trung chuyển quốc tế, cạnh tranh với các cảng lớn trong khu vực như Singapore, Malaysia và các cảng quốc tế, không cạnh tranh với Cái Mép – Thị Vải mà bổ sung, phối hợp để phát huy tốt nhất các thế mạnh.
“TP.HCM cần phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các công việc tiếp theo theo thẩm quyền, làm việc với các nhà đầu tư để thúc đẩy triển khai. Cần lưu ý làm tốt công tác truyền thông về các chương trình, đề án, dự án phát triển Cần Giờ trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc” – người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ kỳ vọng khi hình thành sẽ thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại; tạo việc làm cho khoảng 6.000 – 8.000 nhân viên, lao động tại cảng và hàng chục ngàn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics… Dự kiến giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh, cảng đóng góp trực tiếp cho ngân sách thông qua các khoản thuế, phí ước tính từ 34.000 đến 40.000 tỉ đồng/năm.
Theo: HÀ MAI – THANH NIÊN