Dự án thuộc vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ, nằm trên 2 cù lao biệt lập, ngăn cách với đất liền bởi sông Thêu rộng trung bình 1km. Bên cạnh đó, trên hai cù lao không có dân cư, không có hoạt động canh tác, nằm tiếp giáp luồng hàng hải Vũng Tàu – Thị Vải.
Chiều 12-5, UBND TPHCM tổ chức hội thảo Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ để tham khảo ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, hội nghề nghiệp, các bộ, ngành, các tỉnh thành phố vùng Đông Nam bộ… Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường chủ trì hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho hay, hiện nay cảng biển thành phố đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh theo quy hoạch, hiện đại, công nghệ mới, khai thác hiệu quả đã góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế – xã hội của thành phố và của cả khu vực phía Nam. Huyện Cần Giờ có vị trí địa lý tiếp giáp với Biển Đông, nằm giữa 2 cửa sông lớn, sông Soài Rạp, sông Lòng Tàu, tiếp giáp sông Thị Vải, là các tuyến hàng hải quan trọng của cảng biển nhóm 4, hội tụ đủ điều kiện để phát triển cảng biển cửa ngõ quốc gia và trung chuyển quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đề nghị, hội thảo tập trung thảo luận, đánh giá tiềm năng, nhu cầu, xu hướng phát triển, khai thác cảng biển nước sâu, cảng biển quốc tế trên địa bàn thành phố gắn với sự phù hợp quy hoạch về cảng biển hiện nay và quy hoạch quốc gia. Bên cạnh đó, các chuyên gia đề xuất mô hình đầu tư phát triển cảng nước sâu, cảng quốc tế thành công trên thế giới, những khó khăn thách thức… từ đó vận dụng nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Đặc biệt, các đại biểu đề xuất các ý tưởng, xu hướng và các nội dung cần thiết điều chỉnh đối với quy hoạch chung TPHCM và quy hoạch chung huyện Cần Giờ hiện đại, bền vững, bảo vệ môi trường, tầm nhìn dài hạn đến năm 2060 và phù hợp quy định pháp luật.
Trình bày dự án, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP tư vấn thiết kế cảng – kỹ thuật biển cho biết, dự án có quy mô khoảng 7,2km cầu cảng, đón được tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay với 24.000 TEU, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỷ USD.
Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn đầu tư, khởi công giai đoạn 1 vào năm 2024 và đưa vào khai thác năm 2027. Đến năm 2030, dự án sẽ có tổng công suất hàng hóa thông qua dự kiến đạt 4,8 triệu TEU vào năm 2030, và tăng trưởng dần đạt tới 16,9 triệu TEU một khi dự án hoạt động hết công suất (dự kiến năm 2047); tiếp nhận tàu mẹ trọng tải lên đến 250.000 DWT, tàu feeder trọng tải từ 10.000 – 65.000 DWT và sà lan trọng tải tới 8.000 tấn.
Dự án thuộc vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ, nằm trên 2 cù lao biệt lập, ngăn cách với đất liền bởi sông Thêu rộng trung bình 1km. Bên cạnh đó, trên hai cù lao không có dân cư, không có hoạt động canh tác, nằm tiếp giáp luồng hàng hải Vũng Tàu – Thị Vải.
Về cơ bản, khu vực đã có các hoạt động hàng hải hàng chục năm nay và khu vực là cù lao biệt lập. Dự án là cảng container, theo tiêu chí cảng xanh nên ảnh hưởng đến môi trường là nhỏ.
Ngoài ra, dự án không cần đầu tư về hạ tầng đường bộ kết nối mà chủ yếu sử dụng bằng vận tải đường biển. Sau năm 2030, các tuyến đường bộ kết nối sẽ đề xuất đường trên cao nhằm giảm thiểu tác động môi trường. Cảng trung chuyển quốc tế sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy, hình thành trung tâm tài chính TPHCM.
Theo TS Trần Du Lịch (Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia), dự án được hãng biển hàng đầu thế giới chọn vị trí, tính toán cực kỳ tốt, mà TPHCM đã có ý định phát triển, cùng ý tưởng thì dự án thành công. Dự án cần phải đẩy nhanh tiến độ để Cần Giờ phát triển thành đô thị, tạo sức bật cho vùng kinh tế Đông Nam bộ. Thuận lợi đã được nhà nước chủ trương, bài toán cần đặt ra phải có sự nhập cuộc của chính quyền và nhà đầu tư. Bài toán rất lớn, nhạy cảm là môi trường. Dự án xây xong sẽ kết hợp với Cảng Cái Mép – Thị Vải sẽ tạo thành hệ thống cảng của vùng Đông Nam bộ, mà TPHCM sẽ là điều phối vùng để hình thành, phát triển vùng Đông Nam bộ.
Nguồn: THANH HAI – SGGP