Bộ GTVT đã thống nhất với UBND TP.HCM về việc lập đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang và Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường vừa có kết luận về quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 4, quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, định hướng 2050.
Liên quan đến việc di dời cảng biển trên sông Sài Gòn, Bộ GTVT thống nhất giao UBND TP.HCM nhiệm vụ lập đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2023. Công ty CP Cảng Sài Gòn sẽ là đơn vị xây dựng đề án.
UBND TP.HCM giao Sở GTVT làm đầu mối, phối hợp Cục Hàng hải Việt Nam trong quá trình thực hiện. Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND H.Cần Giờ và các sở, ngành xác định nội dung cụ thể phần diện tích đất rừng trong ranh giới của đề án.
Song song với quá trình triển khai xây dựng, trình phê duyệt đề án, Cục Hàng hải Việt Nam cũng được Bộ GTVT giao nhiệm vụ kịp thời cập nhật kết quả đề án, hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh Quyết định số 1579/2021 về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các bến cảng trên sông Sài Gòn sẽ thực hiện di dời, chuyển đổi công năng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và phát triển không gian đô thị của TP.HCM.
Ngoài ra, UBND TP sẽ triển khai đầu tư tuyến đường kết nối từ khu bến cảng Cát Lái đến đường vành đai 3 và cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; nâng cấp cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước trên sông Sài Gòn để cao năng lực vận tải đường bộ, đường thủy nội địa kết nối cảng biển.
Dự án Cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế Sài Gòn tại khu vực quy hoạch khu bến Cần Giờ do Tập đoàn MSC/TIL (tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới) cùng đối tác Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP (VIMC) và Cảng Sài Gòn nghiên cứu, đề xuất. Dự án có quy mô khoảng 7,2 km cầu cảng, tiếp nhận được tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 TEU), công suất thông qua 10 – 15 triệu TEU, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỉ USD. Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn đầu tư, bắt đầu triển khai thi công xây dựng giai đoạn 1 vào năm 2024 và đưa vào khai thác năm 2027.
Lãnh đạo TP.HCM từng nhiều lần khẳng định mô hình tăng trưởng tương lai của TP.HCM cần kết nối vùng để đẩy mạnh kinh tế biển, cảng biển gắn với chuỗi đô thị biển. Trong đó, vịnh Cần Giờ là cơ hội tạo bước ngoặt, thay đổi phương thức phát triển của TP.HCM, tức là chuyển từ tăng trưởng dựa trên đất đai sang dựa vào biển.
Bến Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép có mực nước sâu, nằm trên các tuyến hàng hải quốc tế, có thể đáp ứng tàu tải trọng lớn như các tuyến ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ. Đây là điều kiện thuận lợi hình thành cảng container quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng như đột phá phát triển kinh tế biển của TP.HCM và cả nước.
Nguồn: HÀ MAI – Thanhnien